Ngày 20-4, Bộ Tư pháp Mỹ đã kháng cáo phán quyết của thẩm phán liên bang về việc chấm dứt quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi đi máy bay hoặc các phương tiện giao thông công cộng. Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ khẳng định việc đeo khẩu trang vẫn rất cần thiết để phòng COVID-19.
Rủi ro tiền lệ xấu
Dư luận Mỹ dậy sóng từ hôm 18-4 khi bà thẩm phán liên bang Kathryn Kimball Mizelle ở bang Florida bác bỏ quy định đeo khẩu trang trên các phương tiện công cộng với lý do CDC Mỹ đã vượt quá quyền hạn khi ban hành quy định này vào tháng 1-2021.
Phán quyết đưa ra khi quy định của CDC Mỹ phải đến ngày 3-5 mới hết hạn, trừ khi họ gia hạn thêm. Gần đây CDC Mỹ đã gia hạn như vậy để có thêm thời gian nghiên cứu biến thể phụ BA.2 của Omicron, hiện là biến thể trội ở Mỹ.
Chỉ vài giờ sau phán quyết hôm 18-4, hầu hết các hãng bay, sân bay, nhiều hệ thống vận chuyển công cộng và thậm chí cả Uber đã bỏ yêu cầu đeo khẩu trang. Cùng ngày, Cục Quản lý an ninh vận tải Mỹ cho biết họ không còn yêu cầu đeo khẩu trang nữa.
Theo báo Financial Times, giờ đây nếu Bộ Tư pháp Mỹ kháng cáo thành công, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ có quyền áp dụng lại quy định bắt buộc đeo khẩu trang. Tuy nhiên, việc này cũng sẽ rủi ro vì nếu kháng cáo bất thành, nó có thể đặt ra tiền lệ pháp lý khiến CDC Mỹ ban hành các quy định tương tự về sau khó khăn hơn.
Ngày 20-4, CDC Mỹ cho rằng lúc này việc bắt buộc đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng vẫn cần thiết. Họ tin đây là "mệnh lệnh hợp pháp, nằm trong thẩm quyền pháp lý của họ để bảo vệ sức khỏe cộng đồng".
Cộng đồng hay tự do cá nhân?
Bà Heidi Goodson, tiến sĩ toán tại Đại học Brooklyn (Mỹ), cho biết đã trả thêm phí để chuyển từ Hãng United Airlines sang Lufthansa khi có chuyến bay khứ hồi từ Đức, để có thể đi trên chuyến bay bắt buộc đeo khẩu trang. "Nhiều người không linh hoạt về tài chính và do đó họ phải mạo hiểm sức khỏe của mình khi có những thay đổi chính sách bất ngờ" - bà nói.
Phán quyết này cũng khiến các hãng bay châu Âu chia rẽ quan điểm về việc có nên yêu cầu đeo khẩu trang hay không trên các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương. Người phát ngôn Hãng Air France (Pháp) và Lufthansa (Đức) cho biết hành khách vẫn được yêu cầu đeo khẩu trang trên các chuyến bay của họ theo quy định của Pháp và Đức. Còn Hãng British Airways (Anh) nói đeo khẩu trang hay không sẽ tùy vào quy định của điểm đến.
Trước đó, nhiều quốc gia châu Âu đã bỏ đeo khẩu trang. Anh nằm trong số những nước đầu tiên trên thế giới bỏ tất cả quy định phòng COVID-19 khi đi lại, trong đó có đeo khẩu trang trên máy bay và tại sân bay.
Tuy nhiên, tại châu Á, hiện vẫn còn nhiều quốc gia coi trọng chiếc khẩu trang dù tỉ lệ tiêm chủng đã cao. Tuần này Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ quyết định việc có đeo khẩu trang hay không vào đầu tháng 5, nhưng hiện vẫn giữ quy định này.
Thủ đô của Ấn Độ vừa khôi phục yêu cầu đeo khẩu trang nơi công cộng. Tại Singapore, theo báo Straits Times hồi cuối tháng 3, dù việc đeo khẩu trang hiện không còn bắt buộc ngoài trời, nhưng 90% cư dân vẫn đeo khi đi trên đường, vỉa hè và bãi biển.
Theo báo Washington Post, sự chần chừ của người Singapore trong việc này một phần vì họ lo lắng cho những thành viên dễ tổn thương hơn như người già. Các lãnh đạo của đảo quốc này đã nhiều lần nhấn mạnh sức khỏe của cộng đồng quan trọng hơn các quyền tự do cá nhân.
Tại Nhật Bản hôm 20-4, người đứng đầu Hiệp hội Y khoa Nhật Bản Toshio Nakagawa cảnh báo nước này sẽ không làm theo các quốc gia phương Tây trong việc nới lỏng hoặc bỏ quy định đeo khẩu trang. "Tôi tin ngày người dân có thể ngừng đeo khẩu trang sẽ không bao giờ đến ở Nhật Bản nếu đất nước còn tiếp tục có các ca nhiễm" - ông nói.
Tại sao nên đeo khẩu trang?
Theo giải thích của CDC Mỹ ngày 20-4, việc đeo khẩu trang phòng COVID-19 có lợi nhất ở những nơi đông đúc hoặc thông gió kém, như trên các phương tiện giao thông công cộng có không gian kín. Khi mọi người đeo khẩu trang vừa vặn che kín mũi và miệng, họ sẽ bảo vệ cho bản thân và những người xung quanh, kể cả những người bị suy giảm miễn dịch hoặc chưa tiêm vắc xin, giúp cho việc đi lại của mọi người an toàn hơn.