2022-07-02 10:49:07 - THẾ GIỚI
Giá dầu Brent và WTI tương lai tăng lần lượt 2,4% và 2,5%.Quan ngại cung dầu gia tăng sau khi Libya tuyên bố tình trạng bất khả kháng tại một số cảng biển và công nhân dầu khí Na Uy chuẩn bị đình công.Giá vàng giảm tuần thứ 3 liên tiếp.
Trọng Đại (Theo Investing, CNBC)
Giá dầu tăng hơn 2% trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 7 trong bối cảnh bất ổn chính trị tại Libya, bên cạnh đó là kế hoạch đình công tại Na Uy khiến nhà đầu tư quan ngại về triển vọng nguồn cung dầu mỏ.
Giá dầu Brent tương lai tăng 2,6 USD/thùng, tương đương 2,4%, lên 111,63 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 2,67 USD, tương đương 2,5%, lên 108,43 USD/thùng.
Khối lượng giao dịch dầu WTI và Brent tương đương 70% và 77% các phiên giao dịch trước đó khi kỳ nghỉ lễ Quốc khánh tại Mỹ đang tới gần.
Chốt tuần, giá dầu Brent giảm 1,3% trong khi giá dầu WTI tăng 0,8%. Trong tháng 6, cả hai chỉ số giá đều giảm.
Công nhân dầu khí tại Na Uy lên kế hoạch đình công từ ngày 5/7 tới. Ảnh: Reuters. |
Giá dầu tăng trong phiên giao dịch 1/7 dù dữ liệu mới được công bố cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ tăng trưởng thấp hơn dự báo trong tháng trước, một minh chứng cho thấy nền kinh tế số một thế giới đang chững lại sau khi Fed tiến hành siết chính sách tiền tệ.
Hiện tại, tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu thô và nhiên liệu chính là trụ đỡ của thị trường dầu mỏ trong bối cảnh chứng khoán đi xuống và đồng USD, thường diễn biến ngược lại với giá dầu, tăng.
Kế hoạch đình công của công nhân dầu khí tại Na Uy vào ngày 5/7 tới dự kiến có thể khiến sản lượng dầu mỏ của quốc gia này giảm 8%, tương đương với 320.000 thùng/ngày trừ khi đạt được một thỏa thuận trước thời điểm đó.
Tập đoàn Dầu khí quốc gia Libya trong ngày 30/6 tuyên bố trình trạng bất khả kháng tại cảng Es Sider và Ras Lanuf và mỏ dầu El Feel. Trước đó, các cảng biển Brega và Zueitina cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Sản lượng dầu mỏ của quốc gia này giảm mạnh. Kim ngạch xuất khẩu dầu của Libya giảm xuống từ 365.000-409.000 thùng/ngày, thấp hơn 865.000 thùng so với thông thường.
Trong khi đó, chính phủ Ecuador và lãnh đạo các nhóm vũ trang địa phương trong ngày 30/6 đã đạt được một thỏa thuận chấm dứt 2 tuần bạo loạn, khiến cho sản lượng dầu mỏ của quốc gia này giảm hơn một nửa.
Cũng trong ngày 30/6, OPEC+ quyết định không thay đổi kế hoạch tăng sản lượng thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và 8. Nhóm này không đưa kế hoạch chính sách sau tháng 9 lên bàn nghị sự.
Một khảo sát của Reuters cho thấy OPEC cung cấp 28,52 triệu thùng dầu trong tháng 6, ít hơn 100.000 thùng so với tháng trước đó.
Tổng thống Joe Biden sẽ có chuyến công du tới 3 nước Trung Đồng vào giữa tháng 7, trong đó có Arab Saudi, nhằm tìm lời giải cho bài toán giá nhiên liệu tăng cao mà Mỹ và nhiều quốc gia khác đang đối mặt.
Kim loại quý
Giá vàng tương lai giao tháng 8 trên sàn Comex, New York giảm 5,8 USD, tương đương 0,3% xuống 1.801,50 USD/ounce. Chốt tuần, giá vàng giảm 1,6%, tuần giảm thứ 3 liên tiếp. Trong tháng 6, giá vàng giảm hơn 2%.
Giá vàng giảm sau khi chính phủ Ấn Độ quyết định tăng thuế nhập khẩu đối với vàng nhằm hỗ trợ đồng rupee.
Theo đó, Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới, tăng thuế đánh vào mặt hàng này từ 7,5% lên 12,5%. Động thái này ngay lập tức tác động tiêu cực lên nhu thị trường dù quý III thường là quãng thời gian người dân gia tăng mua vàng để chuẩn bị cho một số lễ hội quan trọng, theo Ajay Kedia, Giám đốc Kedia Commodities.
Ấn Độ và Trung Quốc là những quốc gia tiêu thụ vàng lớn, do đo, mỗi thay đổi chính sách tại hai quốc gia này đều có tác động lớn lên thị trường vàng thế giới.
Giá vàng giảm còn bắt nguồn từ triển vọng lãi suất của các ngân hàng trung ương trong cuộc chiến chống lạm phát. Cục Dự trữ liên bang Mỹ được dự báo sẽ tăng lãi suất lên gấp 2 lần so với thời điểm hiện tại vào cuối năm nay.