2022-07-09 11:07:07 - Việt Nam
Các tỉnh phía Nam xác định việc gắn kết doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, trang bị kỹ năng cho nguồn nhân lực sát với yêu cầu thị trường lao động là rất quan trọng.
Xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng tăng cường trang bị kỹ năng, đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ sản xuất, tại nhiều địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các giải pháp liên quan đến công tác đào tạo và đào tạo nâng cao trình độ cho người lao động đang được quan tâm thực hiện, với sự chung tay của chính quyền địa phương, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp sử dụng lao động.
Tăng cường đào tạo
Nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp đào tạo kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng cho lực lượng lao động, nhất là lao động trẻ, nhiều chuyên gia lĩnh vực lao động - việc làm nêu thông tin Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) từng nhận định, đến năm 2025 có 85 triệu việc làm trên toàn cầu sẽ bị xóa bỏ nhưng đồng thời có 97 triệu việc làm mới được tạo ra.
Để đáp ứng yêu cầu, ước tính, có khoảng 50% lao động cần được đào tạo lại và đào tạo nâng cao về kỹ năng, tay nghề.
Việt Nam là nước có dân số trẻ, số người trong độ tuổi lao động chiếm gần 60% dân số, trong đó, lực lượng lao động trẻ đóng vai trò nòng cốt, rất cần được tăng cường đào tạo và đào tạo nâng cao, trang bị không chỉ kỹ năng liên quan đến từng lĩnh vực nghề nghiệp mà còn cần có kỹ năng thích ứng với sự thay đổi, sự thích nghi, tính kỷ luật...
Theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển, Ủy ban Nhân dân thành phố vừa ban hành quyết định về Chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn đến năm 2025. Thành phố đặt mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực trọng điểm đến năm 2025, gồm lĩnh vực công nghệ thông tin, cơ khí-ô tô, cơ điện tử, tự động hóa, điện-điện tử, logistics, du lịch, xây dựng, công nghệ môi trường. Thành phố xây dựng, quản lý mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đa dạng về loại hình và trình độ đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo các cấp trình độ trong giáo dục nghề nghiệp.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng xây dựng các giải pháp đào tạo nghề chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao nhằm nâng tầm kỹ năng lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo trên địa bàn đến cuối năm 2025 đạt 87% tổng số lao động đang làm việc.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành cho biết phương hướng phát triển của tỉnh đến năm 2030 là tập trung phát triển ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Tỉnh thu hút đầu tư trong nước đối với ngành công nghiệp phụ trợ, cung cấp nguyên liệu cho các tập đoàn lớn, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.
Để đạt mục tiêu này, bên cạnh các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, cải thiện kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, Bình Dương chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao. Thời gian qua, tỉnh đã xây dựng chính sách thu hút nhà quản lý, chuyên gia giỏi, công nhân kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu phát triển, đào tạo nguồn nhân lực với chuyên môn và tính chuyên nghiệp cao.
Các đơn vị chức năng của tỉnh đa dạng hóa, mở rộng hình thức hợp tác liên kết trong cung ứng và đào tạo nguồn nhân lực theo hướng gắn kết giữa đào tạo và sử dụng, cập nhật kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đạt 80,5%, trong đó, khoảng 30% lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ.
Thời gian tới, Bình Dương tiếp tục xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với từng đối tượng. Ví dụ, với học sinh phổ thông là nâng cao chất lượng giáo dục, với sinh viên các trường đại học, cao đẳng là nâng cao hiệu quả đào tạo gắn nhu cầu doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao.
Còn đối với công nhân đang làm việc, tỉnh tập trung nâng cao tay nghề, kỹ năng, tác phong công nghiệp. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 85% lao động qua đào tạo nghề, trong đó, số lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 35%.
Còn theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 75% lao động gắn với phát triển công nghiệp và nông nghiệp đã qua đào tạo, trong đó số lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%.
Tỉnh định hướng ngành nghề đào tạo trong lĩnh vực công nghiệp gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, tập trung vào các ngành nghề thuộc lĩnh vực sản xuất, năng lượng, cơ khí, điện tử, viễn thông, tự động hóa, chế biến, quản lý đô thị.
Tỉnh sẽ xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo, nơi đào tạo đội ngũ lao động chuyên sâu, lao động tay nghề cao, góp phần xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đảm bảo về chất lượng, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu kinh tế của địa phương, thực hiện mục tiêu đến năm 2025, Long An giữ vững vị trí dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Gắn kết với doanh nghiệp
Xác định việc gắn kết doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, trang bị kỹ năng cho nguồn nhân lực sát với yêu cầu thị trường lao động là rất quan trọng, đối với Chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn đến năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh đề ra giải pháp giải pháp triển khai công tác “đào tạo song hành” giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp.
Thành phố thí điểm tổ chức liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp ở các nội dung cụ thể như Chương trình giáo trình đào tạo, thời gian thực hành tại doanh nghiệp, vật tư tiêu hao, với tiêu chí đào tạo 50% thời lượng lý thuyết và thực hành cơ bản tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 50% thời lượng cho thực hành chuyên sâu tại doanh nghiệp.
Cùng quan điểm coi trọng sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục - đào tạo theo mô hình “ba nhà” (nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp) chung tay nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành cho biết tỉnh tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp bao gồm đào tạo và nghiên cứu phát triển, gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo, khuyến khích cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết với doanh nghiệp thực hiện chương trình đào tạo mới, đào tạo lại cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia nhiều hơn nữa vào hoạt động đào tạo, phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Chia sẻ về tham gia xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ông Giang Quốc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC thông tin, tỉnh Bình Dương đang xây dựng môi trường thu hút đầu tư hiện đại dựa trên nền tảng thành phố thông minh, trọng tâm là vùng đổi mới sáng tạo, trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là yếu tố cốt lõi.
Là doanh nghiệp được Ủy ban Nhân dân tỉnh giao thực hiện Đề án thành phố thông minh Bình Dương, Tổng Công ty Becamex IDC đang tích cực thực hiện các giải pháp góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao ở địa phương.
Doanh nghiệp đã đầu tư, phát triển Trường Đại học Quốc tế miền Đông, tổ chức ký kết hợp tác chiến lược với một số đối tác là doanh nghiệp lớn, tăng cường quan hệ hợp tác, gắn kết nhà trường - doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo.
Tổng Công ty Becamex IDC đang hoàn thiện Trung tâm khởi nghiệp và sản xuất tiên tiến Becamex, tạo không gian đào tạo nhân lực kỹ thuật cao, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp được thuận lợi, góp phần cung ứng nguồn nhân lực cho tỉnh Bình Dương và các địa phương cùng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam./.