2022-03-21 13:46:03 - Việt Nam
Sắp tiến hành điều tra về tiền lương, mức sống của người lao động trong doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn
Thêm khoản tiền trang trải cuộc sống
Mức lương cơ bản được 4,1 triệu đồng/tháng, cộng với các khoản phụ cấp, thu nhập của chị Phạm Thị Dịu - công nhân tại thị trấn Nếnh (huyện Việt Yên, Bắc Giang) - được khoảng hơn 5 triệu đồng/tháng.
Chồng làm vườn ở quê, không có thu nhập ổn định nên chi phí sinh hoạt của cả nhà trông chờ vào đồng lương của chị. Để có tiền gửi về quê nuôi các con ăn học, bên cạnh việc chi tiêu tằn tiện, chị Dịu phải “cật lực” tăng ca, làm thêm.
“Nếu làm thêm, thu nhập của tôi được từ 7-8 triệu đồng/tháng. Phải chi tiêu tằn tiện mới có thêm chút tiền gửi về quê nuôi con ăn học” - chị Dịu cho hay. Nỗi lo giá cả leo thang, chi phí sinh hoạt tăng lên chưa vơi, thì tháng vừa qua, chị Dịu lại xót ruột vì thu nhập giảm do nghỉ hơn 1 tuần mắc COVID-19.
Chủ tịch công đoàn cơ sở một công ty điện tử tại Bắc Ninh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc tăng lương tối thiểu là rất cần thiết, vì hiện của lương công nhân thấp.
“Hằng năm, nhiều công ty hay chờ đợi điều chỉnh lương tối thiểu theo Nghị định của Chính phủ. Nếu có điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng thì các công ty mới tăng lương cho người lao động; còn nếu không tăng thì công ty vin vào đây để không tăng lương. Việc tăng lương tối thiểu vùng hằng năm là cơ sở để công đoàn đấu tranh đòi tăng lương cho người lao động” - chủ tịch công đoàn cơ sở này nói và cho biết thêm, hiện tại, tổng thu nhập bình quân đối với công nhân lao động tại công ty là 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Cũng theo vị chủ tịch công đoàn cơ sở này, trong bối cảnh hiện nay khi giá cả có xu hướng tăng, nếu không tăng lương thì thực chất, người lao động bị giảm lương.
“Theo tôi, năm 2023, lương tối thiểu cần tăng ít nhất 10% so với hiện nay” - vị chủ tịch công đoàn cơ sở bày tỏ quan điểm.
Nguyện vọng chính đáng của người lao động
Ông Nguyễn Đức Sinh - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ - cho rằng, 2 năm qua, việc không tăng lương tối thiểu đã tác động đến đời sống của người lao động.
“Đa số việc tăng lương của người lao động phụ thuộc vào tăng lương tối thiểu vùng. Trong khi 2 năm nay, lương tối thiểu vùng không tăng thì ảnh hưởng đến thu nhập của họ” - ông Sinh nói.
Ông Sinh cho rằng, trong bối cảnh giá có xu hướng tăng như hiện nay, nhất là giá xăng, thì người lao động rất muốn tăng lương để đỡ đi phần nào khó khăn.
“Người lao động đi làm trông chờ vào mỗi đồng lương. Thời điểm này tăng lương cho người lao động là hết sức cần thiết. Hiện nay, giá xăng dầu tăng kéo theo giá các loại mặt hàng khác tăng theo, trong khi đó thu nhập của người lao động lại không tăng nên cuộc sống của người lao động ngày càng khó khăn” - ông Sinh nhấn mạnh và nhắc lại, việc tăng lương để bù lại khó khăn cho người lao động là rất cần thiết.
Ông Sinh cũng nói thêm, nếu tăng lương tối thiểu luôn trong năm nay thì người lao động sẽ đỡ khó khăn hơn; còn nếu vì nhiều yếu tố khác cần cân nhắc thì tăng vào đầu năm 2023.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội - Bộ LĐTBXH - cho hay, xét về lý thuyết, mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế, khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Năm nay, nước ta ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, tạo việc làm bền vững cho người lao động. Sau khi kinh tế phục hồi, người lao động có công ăn việc làm thì sẽ tính toán việc tăng lương tối thiểu vùng. Vì vậy, năm nay Hội đồng Tiền lương Quốc gia cũng có thể bàn bạc để điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng cho năm 2023.
Cũng trao đổi về vấn đề điều chỉnh lương tối thiểu vùng, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH - cho biết, tăng lương là mong muốn chính đáng của người lao động. 2 năm qua ảnh hưởng của dịch COVID-19, lương tối thiểu vùng không tăng, người lao động cũng hết sức chia sẻ với doanh nghiệp trong bối cảnh gặp khó khăn này.
Theo ông Huân, đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã dần được phục hồi, nên cũng cần phải xem xét việc tăng lương, ít nhất để đủ bù trượt giá. Doanh nghiệp cũng gặp khó, người lao động cũng khó khăn, để xem xét có tăng lương tối thiểu hay không, mức tăng ra sao vẫn cần thêm kết quả khảo sát thực tế của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tới đây.
Bộ LĐTBXH vừa có công văn gửi Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố triển khai kế hoạch điều tra lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu để làm căn cứ xây dựng các nội dung về lương tối thiểu vùng năm 2023 và các chính sách liên quan.
Theo kế hoạch dự kiến, 2.000 doanh nghiệp được chọn điều tra sẽ thuộc nhiều nhóm ngành nghề sản xuất, kinh doanh, như: Nông, lâm, ngư nghiệp; công nghiệp, xây dựng; thương mại, dịch vụ.
Về quy mô lao động, doanh nghiệp được điều tra thuộc nhiều loại: Dưới 100 lao động, từ 100-300 lao động và trên 300 lao động.
Các nội dung chính được tìm hiểu ở doanh nghiệp là quỹ tiền lương theo công việc hoặc chức danh, quỹ phụ cấp lương, quỹ tiền thưởng, ăn ca, chi phí tuyển dụng đào tạo, quỹ công đoàn… Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng “đo đếm” mức tiền lương của một số chức danh, công việc của các chức danh quản lý tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng, trưởng phó phòng ban, lao động chuyên môn nghiệp vụ.
Dự kiến, 18 địa bàn sẽ được đồng loạt điều tra đợt này gồm: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Long An, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ.Lê Hoa
THƯ HÂN
Nguồn laodong.vn