2022-03-07 11:17:03 - THẾ GIỚI
Cho đến nay, năng lượng vẫn là một sợi dây liên kết, một trong những cầu nối cuối cùng giữa Nga và phương Tây. Hậu quả sẽ nghiêm trọng nếu cuối cùng tất cả đều lao vào trừng phạt.
Đức có thể ngừng nhận khí đốt từ Nga, giá khí đốt tăng vọt
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Đức Robert Habek cho biết, Đức đã sẵn sàng cho khả năng ngừng nhận cung cấp khí đốt từ Nga.
Phát biểu với đài phát thanh Deutschlandfunk, ông Habeck giải thích rằng trong những năm gần đây, sự phụ thuộc của Đức vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga đã tăng lên, do đó nước này đã bị "dồn vào chân tường". Tuy nhiên, Berlin đã sẵn sàng cho việc ngừng việc nhận cung cấp nhiên liệu từ nguồn này, bất chấp việc giá khí đốt có thể tăng.
Ông Habek nhấn mạnh rằng vào mùa đông tới, các nhà chức trách Đức có ý định thực hiện các biện pháp bổ sung để đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước. Ông đề cập đến dự kiến luật mới liên quan đến việc nạp khí cho các cơ sở lưu trữ khí đốt cho mùa đông.
Trong bối cảnh của những tuyên bố này, giá khí đốt ở Châu Âu bắt đầu tăng vọt. Giá khí đốt giao ngay hôm 2.3 đã tăng hơn 50% so với ngày 1.3. Giá kỳ hạn gần nhất (tháng 4) trên trung tâm TTF đạt 2.202 USD/1.000 mét khối, trong khi giao dịch kết thúc ở mức 1.418 USD vào ngày 1.3, theo dữ liệu từ sàn giao dịch ICE Futures.
Đây là một kỷ lục lịch sử mới. Trước đó, giá tối đa được ghi nhận vào ngày 21.12. 2021 - 2.138 USD/1.000 mét khối. Và mặc dù sau đó giá đã hạ tới mức 1.900 USD, nhưng có lẽ đây vẫn chưa phải là giới hạn.
Ông Robert Habek đã nói trước đó rằng Nord Stream 2 sẽ không được chứng nhận trong tương lai gần. Trong khi, dự án tiêu tốn 11 tỉ USD đã hoàn thành toàn bộ và sẵn sàng chuyển khí đốt của Nga từ cuối năm ngoái.
Vào ngày 2.3, Thư ký báo chí của Tổng thống Liên bang Nga, ông Dmitry Peskov, trong một cuộc họp giao ban đã nói rằng hiện thời việc đưa đường ống dẫn khí đốt vào hoạt động là không thể, nhưng "trước sau gì nó cũng sẽ đi vào hoạt động". Điện Kremlin hy vọng khi mọi chuyện lắng xuống, dự án sẽ được khởi động.
Igor Yushkov, nhà phân tích hàng đầu của Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia, chuyên gia tại Đại học Tài chính thuộc Chính phủ Nga, cho rằng việc từ chối cung cấp năng lượng từ Nga sẽ là một thảm họa cho cả Nga và Châu Âu.
“Tình hình đang phát triển rất nhanh chóng. Các nước phương Tây đưa ra các biện pháp trừng phạt Nga mỗi ngày, và chúng tôi đi đến kết luận rằng thực tế không có biện pháp trừng phạt nào ngoài lĩnh vực năng lượng. Sau đó, chỉ có những hạn chế đối với lệnh cấm mua hàng hóa của Nga - tài nguyên năng lượng, kim loại, quặng, thực phẩm… Điều này gây đau đớn cho Châu Âu, nhưng cũng gây đau đớn cho nước Nga” - ông Yushkov nói.
Đức cho biết Nord Stream 2 sẽ không được chứng nhận trong tương lai gần. Ảnh: Nord Stream 2
Hậu quả Nga ngừng bán, phương Tây ngừng mua
Điều gì sẽ xảy ra nếu trong một vài ngày nữa việc Nga ngừng bán hoặc phương Tây ngừng mua các nguồn năng lượng của Nga trở thành hiện thực?
Chắc chắn bây giờ đã có một tính toán về mức độ ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với nền kinh tế Nga. Và nếu giới lãnh đạo Nga cho rằng các biện pháp trừng phạt này đang gây ra thiệt hại không thể chấp nhận được, họ sẽ hành động để gây ra thiệt hại tương tự cho đối thủ của mình. Và điều này có nghĩa là Nga sẽ sử dụng mặt hàng chính của mình, mặt hàng mà thị trường Châu Âu và Mỹ đang phụ thuộc vào, đó là hydrocacbon.
Kịch tính của tình hình là hiện giờ Châu Âu thậm chí còn cần nhiều khí đốt hơn trước. Trong suốt cuộc xung đột, lượng khí đốt vận chuyển qua Ukraina đã tăng hơn gấp đôi, vì Châu Âu đã sử dụng hết khí đốt từ các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất nên họ cần nhập khẩu. Mùa sưởi ấm vẫn chưa kết thúc, và người dân Châu Âu sẽ vượt qua mùa đông với nguồn năng lượng thấp kỷ lục.
Hiện tại, Châu Âu không có nhà cung cấp tương tự nào khác. Ở Châu Âu, sản lượng khai thác của các nước này đang giảm, vì vậy nếu không giảm triệt để mức tiêu thụ năng lượng vào thời điểm hiện tại, các nước này sẽ không thể sống thiếu khí đốt của Nga. Nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Châu Âu, giá sẽ tăng cao ở khắp mọi nơi lên đến 10.000 USD mỗi nghìn mét khối.
Châu Âu sẽ cố gắng chuyển sang các nguồn năng lượng khác. Nhưng thực tế là Nga cũng đang đứng đầu về nguồn cung cấp than cho Châu Âu. Và trong trường hợp có lệnh cấm vận khí đốt, Mátxcơva rất có thể sẽ cắt mọi nguồn cung cấp năng lượng khác làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chung.
Giá cả sẽ tăng lên ở khắp mọi nơi. Đối với than và dầu, thị trường ít nhiều sẽ tự định hướng lại trong vòng sáu tháng, các nhà cung cấp của Nga sẽ cố gắng đến với Châu Á và Nam Mỹ, trong khi các nhà cung cấp từ đó sẽ đến Châu Âu.
Nhưng dù sao thì khí đốt vẫn sẽ bị thiếu. Nga không thể chuyển hướng ngay và sẽ mất nhiều năm để tăng khối lượng thêm 150 tỉ mét khối mà Nga đang cung cấp cho Châu Âu. Châu Âu buộc phải từ bỏ chiến lược khí hậu, bắt đầu khai thác than và mở lại các nhà máy nhiệt điện than. Ba Lan sẽ trở lại công cuộc khai thác than đá vì đây là quốc gia lớn nhất ở Châu Âu về trữ lượng than. Cũng sẽ không có ai đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân. Tất cả điều này sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế thế giới và sẽ là một thảm họa cho tất cả mọi người.
Còn Nga sẽ không có tiền, vì 40% thu ngân sách liên bang đến từ lĩnh vực dầu khí. Chưa kể có bao nhiêu nhân công bị mất việc.
NGUYỄN QUANG (THEO SVPRESSA.RU)
Nguồn laodong.vn