2024-05-03 14:11:05 - Việt Nam
Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày vừa qua được ví như cơ hội vàng cho ngành du lịch Việt. Đúng như kỳ vọng, nhiều địa phương trên cả nước đã đạt mốc doanh thu trên nghìn tỷ đồng, trong đó Thanh Hóa đứng đầu với hơn 3.800 tỷ đồng.
Theo số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia vừa công bố cho thấy Thanh Hóa có tổng thu du lịch cao nhất nước trong 5 ngày nghỉ lễ (từ 27/4-1/5), tăng 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái; về nhì là Thành phố Hồ Chí Minh với doanh thu đạt 3.235 tỷ đồng (tăng 2%); Hà Nội đứng thứ ba với 2.500 tỷ đồng (tăng gần 10%).
Các địa phương lần lượt xếp sau là Quảng Ninh đạt 2.210 tỷ đồng (tăng 53%); Nghệ An đạt 1.700 tỷ đồng (tăng hơn 10%); Đà Nẵng thu về 1.336 tỷ đồng (tăng gần 13%); Khánh Hòa đạt mốc 1.306 tỷ đồng (tăng 53%).
Như vậy có thể thấy số lượng tỉnh, thành phố đạt doanh thu nghìn tỷ năm nay đã nhiều hơn năm 2023 (5 tỉnh, thành phố). Đáng chú ý các mốc doanh thu này đều có mức tăng khá cao, đạt tới 53%.
Cũng theo thống kê từ Cục Du lịch Quốc gia, ngành du lịch cả nước đã phục vụ khoảng 8 triệu lượt khách dịp nghỉ lễ vừa qua, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Các địa bàn trọng điểm ghi nhận những tín hiệu tích cực với lượng khách tăng cao so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý là Thanh Hóa đang giữ vị trí quán quân cả về doanh thu và lượng khách khi phục vụ hơn 1,5 triệu lượt người trong 5 ngày nghỉ lễ, tăng hơn 27%. Quảng Ninh về nhì khi phục vụ hơn 1 triệu lượt người, tiếp theo là Khánh Hòa với 970.000 lượt, Thành phố Hồ Chí Minh với 967.000 lượt, Nghệ An gần 950.000 lượt, Hà Nội phục vụ 738.000 lượt, Bà Rịa -Vũng Tàu gần 626.000 lượt, Hà Tĩnh hơn 600.000 lượt...
Trong khi các tỉnh, thành phố hầu hết đều có lượng khách tăng ấn tượng từ hơn 20% thì hai thành phố lớn nhất nước lượng khách du lịch lại không tăng đột biến, nguyên nhân được cho là do vé máy bay cao cùng thời tiết nắng, nóng kéo dài.
Hà Tĩnh được đánh giá có tỷ lệ khách tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái cao nhất nước (tới gần 70%). Các địa phương kể trên có tỷ lệ khách đột biến do kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua là cao điểm nắng nóng khiến người dân có xu hướng đến các nơi có biển để giải nhiệt. Tỷ lệ kín phòng tại các bãi biển đều đạt trên 90%, thậm chí có nơi 100%.
Theo Cục Du lịch Quốc gia, việc các địa phương đã chuẩn bị chương trình kích cầu từ trước nghỉ lễ với nhiều hoạt động văn hóa, du lịch, lễ hội, khuyến mại và phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới bên cạnh sản phẩm truyền thống cũng giúp tăng lượng khách đến.
Lãnh đạo ngành đánh giá các hãng hàng không trong nước dù giá vé cao nhưng cũng đã nỗ lực tăng thêm các chuyến bay đêm nhằm tăng tải cung ứng. Bên cạnh đó, ngành đường sắt tăng thêm nhiều chuyến tàu từ Hà Nội đi Đồng Hới, Vinh, Thanh Hóa, Lào Cai, Thành phố Hồ Chí Minh và từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Quy Nhơn cũng như giảm giá vé dành cho hành khách. Các bến cảng đường thủy nội địa cũng tăng thêm các chuyến tàu ra đảo Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quý, Phú Quốc. Những cố gắng này đã góp phần giúp ngành du lịch nội địa đạt doanh thu khá ấn tượng trong kỳ nghỉ vừa qua.