Trong buổi trả lời câu hỏi về chính sách năng lượng ngày 22-5 giờ địa phương, Thủ tướng Morawiecki cho biết Ba Lan có kế hoạch chuyển sang năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân, đồng thời ngưng dùng dầu và khí đốt từ Nga.
"Liệu chúng ta có nên trả cho Na Uy số tiền khổng lồ để mua khí đốt - nhiều hơn gấp 4 hoặc 5 lần so với số tiền chúng ta trả một năm trước? Thật kinh khủng", Thủ tướng Ba Lan nói. "Họ nên chia sẻ khoản lợi nhuận dư thừa này. Việc này không bình thường. Đây là sự bất công".
Vào cuối năm nay, Ba Lan sẽ hoàn thành một đường ống dẫn khí đốt từ Na Uy, nhằm giúp nước này thoát phụ thuộc khí đốt vào Nga.
Từ cuối tháng 4, Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan sau khi Warsaw từ chối thanh toán bằng đồng rúp.
Lợi nhuận tăng chủ yếu đến từ các đơn vị khí đốt ở Na Uy, chiếm gần một nửa, do hưởng lợi từ sự tăng vọt của giá dầu và khí đốt.
Sau Ba Lan, Nga cũng đã dừng cấp khí đốt cho Phần Lan vào ngày 21-5 vì lý do tương tự: Helsinki từ chối thanh toán bằng đồng rúp.
Nga vẫn cung cấp khí đốt cho nhiều nước châu Âu qua ngả Ukraine
Nga vẫn đang cung cấp khí đốt cho nhiều nước châu Âu thông qua Ukraine. Theo Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga, khối lượng khí đốt cung cấp vào ngày 22-5 là 44,7 triệu mét khối, giảm so với 45,9 triệu mét khối một ngày trước đó. Trong khi đó, Đức đang loay hoay tìm nguồn cung mới.
Ngày 22-5, trong chuyến công du 3 nước châu Phi, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết nước này đang quan tâm tới dự án khai thác khí đốt ở Senegal.
Ông Scholz cho biết Đức đã bắt đầu các cuộc đàm phán với chính quyền Senegal về việc khai thác khí đốt và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 22-5, Tổng thống Senegal Macky Sall cho biết sẵn sàng cung cấp LNG cho thị trường châu Âu. Ông Sall dự báo sản lượng LNG của Senegal đạt 2,5 triệu tấn vào năm tới và 10 triệu tấn vào năm 2030.