Du khách nước ngoài gói bánh chưng - Ảnh: BTC
Cuối tuần này, không gian Tết truyền thống của làng quê Bắc Bộ Việt Nam được tái hiện sinh động tại làng cổ Đường Lâm. Từ ẩm thực ngày Tết, các phong tục đầu năm như mừng tuổi, thả cá chép cho đến các trò chơi dân gian truyền thống đều được diễn ra trong không gian cổ kính của ngôi làng.
Đây là năm thứ ba chương trình này được tổ chức nhằm giới thiệu văn hóa Việt tới bạn bè quốc tế, đồng thời cũng là cách để giữ gìn truyền thống cho các thế hệ mai sau.
Ông Trần Anh Tuấn - bí thư Thị ủy Sơn Tây - cho hay Tết làng Việt ở Đường Lâm xây dựng lại nét văn hóa truyền thống trong sinh hoạt của người dân ở làng Đường Lâm nói riêng và Đồng bằng Bắc Bộ nói chung.
"Thông qua Tết làng Việt, chúng ta khơi lại không gian, phong cảnh và nét sinh hoạt của dân tộc ta trong mỗi dịp Tết đến xuân về. Từ đó chúng ta bảo tồn các giá trị tốt đẹp của văn hóa, dân tộc", ông Tuấn chia sẻ.
Góc ông đồ rực rỡ với sắc đỏ ngày Tết - Ảnh: BTC
Năm nay, Tết làng Việt có khoảng 40 nghệ nhân ở các làng nghề khác nhau như tò he, làm bánh… cùng tụ hội để tái hiện không gian Tết Việt.
Chuyến hành trình về với Tết xưa bắt đầu ở cổng làng Mông Phụ với nghệ thuật trình diễn rối nước của các nghệ nhân làng rối nước Đào Thục (huyện Đông Anh, Hà Nội). Những con rối cổ của làng mang đến những tích truyện xưa về vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, hay Phùng Hưng đánh hổ…
Cách đó không xa, tại sân đình Mông Phụ không gian ngập tràn hương vị Tết được mở ra trước mắt du khách. Nào là gói bánh chưng, múa lân sư rồng, nào là góc ông đồ, nào là nặn tò he. Không chỉ vậy, một mâm cỗ truyền thống ngày Tết được trưng bày để du khách có thể hiểu hơn về ngày Tết của người dân Việt Nam.
Mâm cỗ Tết truyền thống của làng quê Bắc Bộ - Ảnh: BTC
Và Tết của người Việt không thể thiếu các trò chơi dân gian. Bắt chạch trong chum, chọi gà hay bịt mắt đập niêu…, trò chơi nào cũng được du khách hưởng ứng, tiếng cười giòn tan vang khắp làng cổ.
Đưa cả gia đình đến làng cổ Đường Lâm chơi vào cuối tuần, anh Hải Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) khá bất ngờ vì không gian Tết làng Việt ấn tượng tại đây.
"Ban đầu, gia đình mình chỉ đến Đường Lâm để tham quan vào cuối tuần, nhưng không ngờ ở đây lại có sự kiện thú vị như vậy. Đây là cơ hội để các bạn nhỏ nhà mình được tìm hiểu thêm về Tết truyền thống của người Việt Nam ta", anh Hải Anh bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Thùy Dung - CEO Công ty Sunny Vietnam - chia sẻ, Đường Lâm trong vài năm gần đây đã có sự đổi khác nhiều. Các không gian sáng tạo, các điểm check-in cổ kính đã được trau chuốt và quan tâm hơn. Nếu người dân địa phương được đào tạo thêm về du lịch, dịch vụ sẽ được cải thiện hơn.
Các món bánh truyền thống cũng được bà con Đường Lâm mang ra mời du khách - Ảnh: BTC
Dù Tết làng Việt chỉ kéo dài trong hai ngày 20 và 21-1, nhưng từ nay đến Tết Nguyên đán, đến với làng cổ Đường Lâm du khách vẫn sẽ được tận hưởng không khí Tết. Bên cạnh đó, du khách cũng được trải nghiệm các hoạt động sinh hoạt truyền thống của bà con như làm kẹo lạc, làm tương, làm chè lam...
Vào các dịp cuối tuần, du khách có thể thử làm nông dân với trải nghiệm cấy lúa hay xem trình diễn xẩm, tuồng, chèo tại đình Mông Phụ.
Với những nỗ lực phát triển du lịch bền vững tại địa phương, cuối tháng 1-2024, sản phẩm du lịch trải nghiệm ẩm thực truyền thống Bắc Bộ - làng cổ Đường Lâm sẽ nhận giải thưởng "Sản phẩm du lịch bền vững ASEAN 2024" tại Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á - ATF 2024.