2022-04-01 10:15:04 - Việt Nam
PGS.TS Đinh Xuân Thảo - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp. Ảnh: QH
Tài sản bất minh, tài sản tham nhũng sẽ bị lộ
Sau năm 2025, thực hiện chuyển đổi số 100% công tác kiểm soát tài sản, thu nhập bằng việc sử dụng công nghệ số, dữ liệu số. Đây là mục tiêu trong Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập vừa được phê duyệt.
Đề án được thực hiện trên phạm vi cả nước với các đối tượng là các cơ quan quản lý nhà nước; các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác có liên quan trong kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30.10.2020 của Chính phủ và Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập được xây dựng và quản lý tập trung tại Thanh tra Chính phủ.
Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Đinh Xuân Thảo - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, nếu thực hiện được việc số hoá dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập là một bước tiến và là một công cụ rất hữu ích trong công tác phòng, chống tham nhũng. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã có các cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Theo đó, cơ sở dữ liệu này sẽ giúp tra cứu, đối chiếu thông tin về các bản kê khai tài sản của những người có trách nhiệm kê khai. Từ đó mới có thể kiểm soát được tính chính xác, sự trung thực trong việc kê khai tài sản. Khi đó, những tài sản bất minh, tài sản tham nhũng sẽ dễ bị “lộ”, dễ dàng bị phát hiện. Từ việc thiết lập được cơ sở dữ liệu mới theo dõi được biến động số dư, biến động tài sản của các đối tượng liên quan.
Sau năm 2025, thực hiện chuyển đổi số 100% công tác kiểm soát tài sản, thu nhập bằng việc sử dụng công nghệ số, dữ liệu số. Ảnh: LDO
Nêu các dẫn chứng thực tế, ông Thảo cho hay, lâu nay vẫn kê khai tài sản thu nhập bằng bản giấy và kiểm tra, xác minh được tính chính xác của các bản kê khai này còn hình thức. Do đó, phát hiện, phòng ngừa tham nhũng từ kê khai tài sản còn hạn chế. Vì vậy, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập là rất cần thiết.
“Nếu cán bộ ngay thẳng, thu nhập chính đáng thì không có gì phải lo lắng. Nhưng nếu cán bộ tham ô, tham nhũng, tài sản có nguồn gốc không rõ ràng thì sẽ dễ xác minh hơn nhiều. Từ đó tiến thêm một bước trong công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tham nhũng” - PGS.TS Đinh Xuân Thảo phân tích.
Liên thông dữ liệu, cảnh báo các trường hợp kê khai không trung thực
Cùng trao đổi về việc này, TS Cung Phi Hùng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) cho hay, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm hiện đại hóa, chuyển đổi số công tác kiểm soát tài sản, thu nhập.
Thiết lập hạ tầng công nghệ thông tin, các quy trình, quy định phục vụ việc hệ thống hóa, cập nhật, lưu trữ, bảo vệ an toàn và cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời về bản kê khai, kết luận xác minh tài sản, thu nhập và các dữ liệu khác có liên quan đến việc kiểm soát tài sản, thu nhập. Việc này góp phần phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng.
TS Cung Phi Hùng cho rằng, khi xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập trước tiên cần phân loại về các đối tượng có nghĩa vụ kê khai. Tiếp đến là cơ sở dữ liệu này phải có sự đồng bộ, thống nhất và liên thông có sự phân cấp, phân quyền tới các tỉnh, thành. Mặt khác, cần phải thiết lập được các kênh tra cứu biến động tài sản.
Ông cũng cho rằng, cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập nên dựa trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó mở rộng các trường thông tin để dễ dàng tra cứu, theo dõi. Có như vậy mới có thể phục vụ công tác tra cứu một cách dễ dàng và phòng ngừa tham nhũng.
“Để làm được việc này cần cách mạng hoá về công nghệ thông tin. Nếu làm thủ công không thể thực hiện được, không thể kiểm soát được” - TS Hùng nói và cho rằng, việc hình thành một cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản là việc rất lớn. Những lĩnh vực nào có đăng ký tài sản, tài sản là động sản, bất động sản…. đều cần có các trường thông tin về dữ liệu.
Khi đó liên thông và đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia này mới đối chiếu, kiểm chứng được việc kê khai của cán bộ, công chức, của những người có nghĩa vụ kê khai có chính xác hay không? Nếu kê khai không trung thực thì cần có cảnh báo.
Theo ông Hùng, mỗi cán bộ, công chức đều có mã số (ID). Do vậy, khi xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập thì cần đồng bộ duy nhất mã số định danh theo từng người và mã số này không thay đổi suốt cuộc đời. Khi đó liên thông thông tin thì việc kiểm tra, xác minh sẽ thuận tiện hơn nhiều.
“Nếu người thuộc diện kê khai có 2 chiếc ôtô, có 2 ngôi nhà đăng ký nhưng lúc kê khai chỉ kê khai có 1 chiếc ôtô, 1 ngôi nhà thì hệ thống sẽ cảnh báo” - ông Hùng nói và cho rằng như vậy sẽ xác minh được tính chính xác khi kê khai và kiểm soát tài sản một cách tốt hơn. Những tài sản bất minh, hình thành do tham nhũng sẽ dễ dàng bị phát hiện.
VƯƠNG TRẦN
Nguồn laodong.vn