Karla Flores, điều phối viên giám sát chương trình chăm sóc dài hạn của quận Imperial (California, Mỹ), cho biết trên địa bàn, khoảng 30 con robot thú cưng đã được trao cho những người lớn tuổi mắc bệnh Alzheimer hoặc gặp phải những vấn đề khác của người già.
Các robot thú cưng được thiết kế với kích thước hệt như những chú chó, mèo thông thường. Hình dáng, chân, lông… chúng được làm chỉn chu sao cho giống nguyên bản và mang đến cảm giác gần gũi nhất.
Flores cho biết những chú robot chó, mèo này hoạt động bằng pin. Robot được gắn nhiều cảm biến giúp chúng đi lại và cử động tay chân linh hoạt. Chúng cũng được trang bị thêm các cảm biến chạm. Khi có người chạm vào, robot có thể phản ứng bằng cách chớp mắt, gật đầu, đồng thời tạo ra những tiếng sủa nhỏ, tiếng gừ gừ hay meo meo như thật.
Do vậy, người dùng có thể tương tác với robot giống như với thú cưng ngoài đời. Họ có thể điều chỉnh mức độ phản ứng từ nhẹ nhàng đến hào hứng ở các "thú cưng máy" này.
"Chúng mang tới niềm vui, giảm bớt cảm giác cô đơn và cải thiện khả năng giao tiếp cho người lớn tuổi", Flores nói.
"Nhiều người đã gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống của mình. Khi chơi với thú cưng, họ như quên đi mình đang mắc bệnh và những tổn thương thể chất của mình. Họ hạnh phúc cả ngày. Robot đã góp phần thay đổi cách nhìn của họ về cuộc sống", Gabriela Zamora nói.
Zamora cho biết thêm nhiều ông, bà đã trở nên "ngọt ngào, trìu mến và dễ thương hơn". Họ nói, cười, chải chuốt, thủ thỉ với robot, thậm chí đôi khi cố gắng cho robot ăn. Đi ngủ họ cũng ôm robot.
Trước đó tại Nhật, những chú robot thông minh tên PaPeRo có khả năng nói chuyện, để mắt đến người cao tuổi cũng đã được thử nghiệm tại thành phố Fujieda, tỉnh Shizuoka vào giữa năm 2020.
Robot còn hỗ trợ người cao tuổi có thể kết nối với tất cả các cơ sở dịch vụ tại thành phố Fujieda như bệnh viện, trung tâm mua sắm, dịch vụ công...
Trong những trường hợp quan trọng, người cao tuổi có thể ấn nút cuộc gọi khẩn cấp được đặt dưới chân chú chó để kết nối tới những bộ phận hỗ trợ liên quan.