2022-04-18 11:14:04 - Việt Nam
Doanh nghiệp bị lỗ năm tài chính gần nhất nhưng lợi nhuận chưa phân phối vẫn là số dương sẽ không bị đưa vào diện cảnh báo theo quy chế mới. Quy định mới bổ sung trường hợp cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo khi tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với BCTC năm đã được kiểm toán và chưa họp ĐHĐCĐ thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Quy chế mới có hiệu lực từ 31/3/2022. |
Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) bỏ quy định cổ phiếu vào diện cảnh báo khi lợi nhuận sau thuế năm trên báo cáo tài chính kiểm toán năm của công ty là số âm.
Quy chế này ban hành cùng Quyết định 17 của VNX, có hiệu lực từ ngày ký là 31/3/2022. Đối tượng áp dụng là các tổ chức niêm yết tại Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, HoSE, HNX, nhà đầu tư....
Quy chế mới của VNX bổ sung các trường hợp bị đưa vào diện cảnh báo gồm báo cáo tài chính năm có ý kiến ngoại trừ của kiểm toán, hoặc chưa họp ĐHĐCĐ thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Trong khi đó, giữ nguyên các quy định cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát như lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo báo cáo tài chính năm là số âm; tổ chức niêm yết ngừng hoặc bị ngừng cáchoạt động sản xuất kinh doanh từ 3 tháng trở lên, cổ phiếu không có giao dịch trong 6 tháng, chậm nộp báo cáo năm đã được kiểm toán hoặc báo cáo bán niên soát xét quá 15 ngày so với quy định, vi phạm công bố thông tin 4 lần trong vòng 1 năm.
Bên cạnh đó, cổ phiếu bị vào diện cảnh báo khi vốn điều lệ đã góp tính trên BCTC gần nhất của tổ chức niêm yết giảm dưới 30 tỷ đồng. Theo quy định cũ, tại HoSE thì vốn điều lệ giảm xuống dưới 120 tỷ đồng và tại HNX giảm xuống dưới 30 tỷ đồng với cổ phiếu hoặc 10 tỷ đồng với trái phiếu.
Trong thời gian 90 ngày kể từ ngày có hiệu lực, các Sở có trách nhiệm hoàn thành việc điều chỉnh trạng thái, lý do chứng khoán đang trong diện bị cảnh báo, kiểm soát, hạn chế giao dịch, tạm ngừng giao dịch, đồng thời rà soát lại và đưa các chứng khoán vào diện cảnh báo, hạn chế giao dịch, tạm ngừng giao dịch, đình chỉ giao dịch theo quy định mới.
Như vậy, với những trường hợp doanh nghiệp bị lỗ nhưng phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán không bị âm thì vẫn không vào diện cảnh báo. Với quy định cũ, doanh nghiệp rơi vào 1 trong 2 trường hợp trên đều bị đưa vào diện cảnh báo.
Việc bỏ quy định doanh nghiệp lỗ bị rơi vào diện cảnh báo có ý nghĩa quan trọng với các doanh nghiệp đang thuộc các bộ chỉ số mà các quỹ ETF mô phỏng. Bởi lẽ, theo quy tắc của bộ chỉ số HoSE-Index, các cổ phiếu được chọn vào "rổ" VN30 sẽ loại trừ các trường hợp thuộc diện cảnh báo trong vòng 3 tháng tính đến ngày chốt dữ liệu hoặc từ ngày chốt dữ liệu đến ngày chính thức áp dụng chỉ số mới.
Đối với các bộ chỉ số của FTSE gồm FTSE Vietnam Index, FTSE Vietnam Frontier Index thì các cổ phiếu nằm trong diện cảnh báo cũng không đủ điều kiện. Trong khi đó, FTSE Vietnam 30 Index gồm 30 cổ phiếu trong FTSE Vietnam Frontier Index.
Trong lịch sử của VN30, chưa từng có cổ phiếu nào bị loại do vào diện cảnh báo vì lỗ. Đối với các chỉ số của FTSE thì đã có cổ phiếu bị loại do lỗ. Gần đây nhất, tại kỳ điều chỉnh danh mục vào tháng 6/2021, cổ phiếu DXG của Đất Xanh bị lợi khỏi FTSE Vietnam Index. Theo SSI Research, cổ phiếu DXG bị loại ra do rơi vào diện cảnh báo do lỗ năm 2020.
Theo NDT