Nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của Việt Nam

Đối thoại chiến lược quốc gia giữa Việt Nam và WEF có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh các nước, trong đó có Việt Nam, chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, đẩy mạnh khôi phục kinh tế.

2021-10-29 08:51:10 - Việt Nam

Nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của Việt Nam

Đối thoại chiến lược quốc gia giữa Việt Nam và WEF có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh các nước, trong đó có Việt Nam, chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, đẩy mạnh khôi phục kinh tế.
 
No luc hien thuc hoa cac muc tieu phat trien cua Viet Nam hinh anh 1
Việt Nam bắt đầu chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn với dịch bệnh, đẩy mạnh khôi phục và phát triển kinh tế trong giai đoạn “bình thường mới”. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN))


Ngày 29/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch điều hành và sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab sẽ đồng chủ trì Đối thoại chiến lược quốc gia giữa Việt Nam và WEF bằng hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác công tư: Động lực then chốt của phục hồi toàn diện và phát triển bền vững, bao trùm, đổi mới sáng tạo.”

Đây là lần đầu tiên Đối thoại chiến lược quốc gia giữa Việt Nam và WEF được tổ chức. Đối thoại có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh các nước, trong đó có Việt Nam, bắt đầu chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn với dịch bệnh, đẩy mạnh khôi phục và phát triển kinh tế trong giai đoạn “bình thường mới.”

Cùng với sự tham dự của Chủ tịch WEF Børge Brende, lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam, có hơn 50 lãnh đạo toàn cầu của các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu và lãnh đạo một số tập đoàn doanh nghiệp lớn của Việt Nam.

Đối thoại cũng là cơ hội để WEF và các nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp lắng nghe, trao đổi với Thủ tướng Chính phủ về những mục tiêu, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.

Từ đó, nắm bắt các cơ hội mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; đồng thời đưa ra các ý kiến tư vấn, góp ý về việc phát huy, tận dụng các động lực về đầu tư và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

[Diễn đàn Kinh tế Thế giới sẽ trở lại Davos vào đầu năm 2022]

WEF là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động theo hình thức hợp tác công-tư, được Giáo sư Klaus Schwab thành lập năm 1971, có trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ. WEF hiện có khoảng 700 đối tác là lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực khác nhau.

WEF là một trong những diễn đàn đầu tiên thảo luận về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hiện đang thực thi một số sáng kiến cụ thể và thực chất liên quan như Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản và Trung tâm an ninh mạng với sự tham gia của 92 đối tác giải pháp công nghệ hàng đầu.

Từ khi Việt Nam và WEF thiết lập quan hệ vào năm 1989, hợp tác giữa Việt Nam và WEF được lãnh đạo hai bên quan tâm thúc đẩy, phát triển trên nhiều lĩnh vực. Lãnh đạo Chính phủ thường xuyên tham dự các Hội nghị WEF Davos, cũng như các Hội nghị khu vực về Đông Á và ASEAN.

No luc hien thuc hoa cac muc tieu phat trien cua Viet Nam hinh anh 2
Các kỹ sư làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: Tiến Lực/TTXVN)


Việt Nam đã phối hợp với WEF tổ chức nhiều sự kiện kinh tế-đối ngoại lớn tại Việt Nam như Hội nghị WEF Đông Á (năm 2010), Hội nghị WEF Mekong (năm 2016) và Hội nghị WEF ASEAN (năm 2018), được đánh giá là thành công nhất trong các hội nghị cấp khu vực của WEF.

Bên cạnh đó, WEF và một số bộ, ngành của Việt Nam đã có những chương trình hợp tác cụ thể, thiết thực.

Trong đối thoại chính sách, trên cơ sở tận dụng thông tin, nguồn lực chuyên gia của WEF về các vấn đề WEF có thế mạnh, đặc biệt trong nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, theo đề nghị của Bộ Ngoại giao, WEF thường xuyên hỗ trợ cung cấp thông tin, tổ chức đối thoại chính sách với lãnh đạo Bộ Ngoại giao về các xu hướng phát triển, động lực tăng trưởng mới trên thế giới, phục vụ cho các báo cáo và nghiên cứu liên quan; giúp Bộ Ngoại giao tham mưu hiệu quả cho quá trình hoạch định chính sách của Chính phủ.

Tháng 8/2020, thực hiện Nghị quyết 78/NQ-CP ngày 22/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và WEF đã ký Bản ghi nhớ giữa Việt Nam và WEF về thành lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, liên kết trung tâm này với mạng lưới các trung tâm trên thế giới.

Tháng 11/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với WEF đã thống nhất nội dung dự thảo Thỏa thuận nhưng vẫn chưa thống nhất các dự án cụ thể kèm theo.

Tại Diễn đàn kinh tế thế giới 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng đại diện WEF đã ký kết Ý định thư liên quan đến xử lý rác thải nhựa và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, trong đó có nội dung hỗ trợ Việt Nam triển khai Chương trình hợp tác đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam.

Chương trình sẽ tập hợp, kết nối các chủ thể công, tư và cộng đồng nhằm tổng hợp, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về quản lý rác thải nhựa. Chương trình được khởi động vào ngày 23/12/2020 và đang tiếp tục triển khai.

Việt Nam cũng là một trong những đối tác chủ chốt của WEF trong khuôn khổ sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp.”

Từ năm 2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương tham gia Ban điều phối dự án “Tương lai của hệ thống sản xuất” của WEF và từ năm 2017 tham gia Nhóm Chiến lược khu vực ASEAN (RSG).

Hiện WEF đang trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc Việt Nam tham gia sáng kiến “Trung tâm thu hẹp khoảng cách đổi mới sáng tạo” nhằm góp phần hỗ trợ Việt Nam xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang trao đổi với WEF về khả năng hợp tác triển khai mô hình thúc đẩy thu hẹp khoảng cách kỹ năng.

Đối thoại chiến lược quốc gia giữa Việt Nam và WEF được kỳ vọng là cơ hội để Việt Nam kêu gọi đầu tư, đồng thời huy động nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển; phương hướng triển khai tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, khai thác các động lực tăng trưởng từ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Đối thoại nhằm truyền tải tầm nhìn, khát vọng và mục tiêu của Việt Nam được đề ra tại Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, phấn đấu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Cùng với đó, nêu rõ thông điệp của Thủ tướng Chính phủ với WEF và các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài về khát vọng phát triển và chủ trương “thích ứng với COVID-19” của Việt Nam.

Việt Nam sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn, tăng cường sản xuất tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam có nhiều chủ trương, biện pháp để tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hưởng bền vững, khai thác các động lực tăng trưởng từ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, vận động, thu hút công nghệ và đầu tư nước ngoài chất lượng cao từ các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới./.

Theo TTXVN/Vietnam+


 

0

Doanh nghiệp

0

Sản phẩm

0

Năm Hoạt động

Đã xảy ra lỗi xác thực. Vui lòng nhập các trường và gửi lại.
Chúc mừng bạn ! Đã đăng ký thành công