Anh Thành Trung (ngụ phường 22, quận Bình Thạnh) cho biết anh dẫn con trai lên trạm để xét nghiệm COVID-19 do thấy có dấu hiệu nghi ngờ.
“Lên đây xét nghiệm đỡ được chi phí mua test nhanh, dân lao động khó khăn như mình thì tiền đâu mà mua hoài. Bên trạm test nếu dương tính thì miễn phí, còn âm tính đóng 100.000 đồng, đông cũng phải chờ thôi”, anh chia sẻ.
Sau gần 1 tuần cách ly tại nhà, tự xét nghiệm nhanh cho kết quả âm tính, chị B.H. (ngụ phường 22, quận Bình Thạnh) ra trạm y tế để lấy giấy hoàn thành cách ly. Chị cho biết bản thân khá bất ngờ trước lượng người chen chúc ở trạm.
“Người đến đông như kiến mà nhân viên y tế thì ít. Người âm tính thì vào lấy kết quả ra về, người dương tính thì về nhà cách ly tiếp... Cứ ra ra, vào vào như vậy thì nguy cơ lây nhiễm rất cao, bản thân tôi bị rồi mà thấy cảnh này cứ sợ nguy cơ tái nhiễm”, chị B.H. nói.
Theo anh Sách, trạm y tế có trao đổi với người dân khi đến trạm cần vào đúng khu vực riêng dành cho từng nhóm đối tượng, tuy nhiên nhiều người dân vẫn không đứng theo hàng, trong khi lực lượng nhân viên y tế thiếu hụt không thể nhắc nhở thường xuyên.
Người đến thực hiện xét nghiệm nhanh COVID-19 đứng sát nhau, có người kết quả dương, người thì âm, nguy cơ lây nhiễm hiện hữu - Ảnh: CẨM NƯƠNG
“Lúc trước UBND phường chuyển giấy hoàn thành cách ly xuống tận nhà cho các F0. Thời gian qua ở UBND phường cũng có cán bộ dương tính nên việc này được đưa về trạm. Tuy nhiên thời điểm này ở trạm cũng có 3 cán bộ dương tính nên thiếu người, dẫn đến quá tải”, anh Sách giãi bày.
Theo quy định của Bộ Y tế, người dân có thể được xác định là F0 khi thực hiện xét nghiệm nhanh COVID-19 và được nhân viên y tế giám sát gián tiếp thông qua các phương tiện từ xa. Vậy vì sao người dân ở phường 22 phải đến tận trạm để thực hiện xét nghiệm? Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Thiện Tâm - giám đốc Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh - cho biết không phải tất cả trường hợp F0 khai báo đều bắt buộc ra trạm để test lại.
“Trạm y tế có đường link khai báo dương tính, những trường hợp nào không chụp được hình ảnh test nhanh dương tính tại nhà để gửi thì trạm mới mời ra test lại. Khi ra trạm, rất nhiều người cho kết quả âm tính dù trước đó họ khẳng định mình nhiễm bệnh và muốn được cấp giấy xác nhận cách ly tại nhà để nộp cho cơ quan. Ngoài ra còn có nhiều F0 âm tính đến để xin giấy xác nhận hoàn thành cách ly”, ông Tâm nói.
Ông Tâm chia sẻ thêm, trong suốt thời gian qua, đường dây nóng của trung tâm nhận được rất nhiều cuộc gọi xin giấy xác nhận hoàn thành cách ly trong khi trước đó lúc nhiễm bệnh họ không khai báo.
Có thể thấy, trong tình hình dịch hiện tại, số lượng đông nhân viên y tế nhiễm bệnh đã gây nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch. Vì vậy, ý thức chủ động khai báo và khai báo trung thực của người dân chính là sự chung tay với ngành y tế để việc chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng được đảm bảo tốt nhất.