2023-06-27 11:57:06 - Việt Nam
Múa rối nước như thế nào? Sự ra đời của nghệ thuật múa rối nước Việt Nam là câu hỏi thắc mắc của nhiều người khi tìm hiểu về loại hình nghệ thuật này. Cùng Du lịch Việt Nam tìm hiểu để hiểu hơn về nghệ thuật đặc sắc này nhé.
Múa rối nước là gì? Múa rối nước còn có tên gọi khác là trò rối nước, là một loại hình sân khấu của Việt Nam. Nghệ thuật múa rối xuất hiện ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới nhưng múa rối nước thì chỉ ở Việt Nam mới có.
Ra đời cùng với nền văn minh lúa nước, múa rối nước phản ánh đời sống tinh thần, cuộc sống bình dị, những nghi lễ, tập quán sinh hoạt của người dân. Không chỉ là việc điều khiển những con rối di chuyển trên mặt nước, nghệ thuật múa rối nước còn có lời thoại, tiết tấu, giai điệu, hiệu ứng ánh sáng... Tất cả cùng góp phần tạo nên những tiết mục đặc sắc, ấn tượng, sống động và giàu cảm xúc nhất.
Do sự độc đáo, đặc sắc của mình nên từ một loại hình nghệ thuật dân gian, múa rối nước đã trở thành nghệ thuật truyền thống, sánh ngang với nghệ thuật chèo, tuồng trên sân khấu dân tộc. Vậy sau khi hiểu múa rối nước là gì, cùng tìm hiểu sâu hơn về sự ra đời và giá trị của loại hình này nào.
Nghệ thuật múa rối thực chất bắt nguồn từ những trò chơi dân gian sử dụng con rối để đóng kịch, để biểu diễn trên sân khấu. Căn cứ vào không gian biểu diễn, múa rối có hai loại là múa rối cạn và múa rối nước.
Để trả lời chính xác cho câu hỏi múa rối nước ra đời khi nào thì đến nay vẫn chưa có lời giải đáp chính xác. Dẫu vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng nghệ thuật múa rối Việt Nam hình thành và phát triển dưới thời Lý (1010-1225). Như vậy, rất có thể loại hình này đã xuất hiện từ trước thế kỷ X.
Múa rối nước bắt nguồn từ trò chơi tạo hình của người nông dân. Trước đây, họ thường đẽo cây để tạo ra các con rối với hình hài thô sơ, sau hoàn thiện dần và biểu diễn cả trên mặt nước mà không qua bất kỳ trường lớp nghệ thuật nào. Điều này cho thấy sự khéo léo, sáng tạo tài tình của ông cha ta từ xa xưa.
Những nghệ nhân múa rối nước thực chất đều là những người nông dân, thợ thủ công đến mùa thì cày cấy, lúc nhàn rỗi lại tham gia sinh hoạt nghệ thuật, mỗi phường có một ông trùm đứng đầu. Người này sẽ tụ tập mọi người lại cùng nhau sáng tác, luyện tập, thi tài các tiết mục. Từ đó, tạo nên các gánh rối, phường rối và lưu truyền tới bây giờ.
Đến thời Lý Trần ở thế kỷ XI-XIV, múa rối nước ngày càng hưng thịnh khi được biểu diễn trong cung đình để mừng thọ vua hay tiếp đón sứ giả. Ở thời Nguyễn, khi tuồng lên ngôi phát triển thành nghệ thuật cung đình, múa rối nước vẫn tiếp tục lưu truyền trong dân gian qua các phường, hội.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, múa rối bị tàn phá, đứng trước nguy cơ mai một. Mãi cho đến khi giải phóng miền Bắc, múa rối nước mới lấy lại vị thế và có bước ngoặt lớn vào tháng 3/1956 khi nghệ thuật Rối chuyên nghiệp Việt Nam ra đời theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đến nay, rối nước vẫn được trình diễn vào những ngày vui, hội làng, lễ Tết hay các sự kiện giao lưu quốc tế và ngày càng được đầu tư mạnh mẽ hơn, đặc biệt là về hiệu ứng âm thanh, ánh sáng.
Nghệ thuật múa rối nước Việt Nam không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần của người dân mà còn là nét văn hóa truyền thống độc đáo, riêng biệt của dân tộc ta so với các nước trên thế giới.
Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác, múa rối nước mang tính tổng hợp của nhiều thành phần từ sân khấu, con rối tới buồng trò, tích trò... Cái độc đáo nhất của múa rối nước chính là lấy nước làm sân khấu trình diễn. Đó có thể là mặt ao, mặt hồ, những thứ hết sức gần gũi với đời sống người dân miền quê Bắc Bộ từ xa xưa. Trên mặt nước sẽ là khung cảnh mà khán giả xem biểu diễn còn dưới sân khấu nước ấy là hệ thống điều khiển chằng chịt.
Buồng trò có thiết kế tượng tự như mái đình làng quê được dựng lên giữa sân khấu để các nghệ nhân đứng trong đó điều khiển con rối. Họ điều khiển giúp các con rối chuyển động bằng thao tác giật dây, sào, thừng... một cách uyển chuyển, linh hoạt nhất.
Sân khấu của loại nghệ này mang đậm chất dân gian bởi được trang bị cờ, quạt, voi, cổng... mang tới cảm giác thân thuộc, bình dị cho người xem. Một yếu tố thổi hồn cho sân khấu múa rối nước là âm thanh được phát ra từ những dụng cụ truyền thống như tiếng mõ, tiếng trống, tù và, tiếng sáo, lời ca của các nghệ nhân...
Một không gian thật sinh động, nhộn nhịp và linh hoạt. Không hề đơn giản như nhiều người vẫn tưởng, để sân khấu được hoàn chỉnh nhất, tất cả các khâu đều phải phối hợp chặt chẽ với nhau.
Đặc biệt, vai trò của nghệ nhân vô cùng quan trọng, đó là sự tập trung của trí tuệ, của sáng tạo, có nghệ nhân chuyên tạo hình con rói, có nghệ nhân điều khiển quân rối, lại có nghệ nhân sáng tác tích trò, lại có nghệ nhân hát xướng...
Mỗi người một công việc và ai cũng cố gắng để tạo nên màn biểu diễn hoàn hảo nhất. Có thể nói, so với một gánh tuồng, gánh chèo, muốn dàn dựng một tích trò rối nước tốn kém hơn nhiều lần nhưng nhờ sự đam mê mà các hội rối nước vẫn tồn tại đến ngày nay.
Trong nghệ thuật múa rối nước Việt Nam, các quân rối có thể được xem là linh hồn của buổi biểu diễn. Từ xa xưa, ông cha ta thường sử dụng các đồ vật hàng ngày để tạo nên con rối, mô phỏng lại các câu chuyện cổ tích gắn liền với cuộc sống người Việt Nam. Do đó, quân rối đều được làm rất sống động, chân thật, từ những người bình thường tới anh hùng dân tộc, nhân vật cổ tích....
Dù chẳng theo một trường lớp nào nhưng qua đôi bàn tay khéo léo, cứ từ đời này tiếp nối đời khác, các quân rối được tạo nên ngày một khéo léo hơn nhưng vẫn hết sức tự nhiên. Các con rối làm từ gỗ sung bởi đây là loại gỗ nhẹ, chống nước và cũng thông qua đây, ông cha muốn thể hiện mong ước về một cuộc sống sung túc, đủ đầy.
Con rối có đủ mọi hình dạnh, kích thước to nhỏ khác nhau, có tròn, có méo và màu sắc cũng rất đa dạng như hồng, đỏ, đen hay vàng... tạo nên cảm giác ấm áp, vui vẻ của con người, của thiên nhiên nông thôn. Từ những em bé nô đùa dưới sông, những người nông dân đi cày cấy, những con ếch, đàn vịt, những con rồng, con phượng trong truyền thuyết... xuất hiện bí ẩn, mờ ảo, hoành tráng trên mặt nước, khiến người xem trầm trồ, ấn tượng.
Ngay cả trang phục của quân rối cũng được chế tác tỉ mỉ từ trang phục mộc mạc của nông phu, người lao động... tới đẳng cấp như lính tráng hay vua quan. Tạo hình nữ nhân thường có khuôn mặt trái xoan, nam mặt vuông chữ điền... Nhưng thật kỳ rằng, dù 100 lính canh, 100 ông quan … thì cũng đều có những nét khác nhau không hề lẫn lộn.
Một đặc điểm chung của các tạo hình rối là tính cách nhân vật được thể hiện rõ nét, thường là ngộ nghĩnh, mộc mạc và hồn nhiên. Trong lịch sử múa rối, nhân vật tiêu biểu nhất phải kể đến chú Tễu có vẻ ngoài béo tròn, tính cách lạc quan, ngây thơ, vui vẻ, gân gũi, chuyên làm nhiệm vu dẫn chuyện, mở màn cho vở diễn. Đây là nhân vật tiêu biểu cho nông dân vùng lúa nước, những người luôn lạc quan, yêu đời trong sản xuất và chiến đấu.
Để hoàn thành được một bộ rối nước 16 trò sẽ mất khoảng 4-5 tháng trong điều kiện thời tiết phù hợp, nếu trời mưa ẩm có thể còn lâu hơn. Sau cùng là những con rối đẹp từ hình thức tới thần sắc, mỗi con rối đều thể hiện đời sống tinh thần phong phú, sự tài hoa của ông cha ta. Có thể thấy, các công đoạn sáng tạo nên quân rối là cả một quá trình công phu, đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì từ nghệ nhân.
Ý nghĩa của múa rối nước được thể hiện sâu sắc qua hàng nghìn năm, truyền từ thế hệ này đến thế khác. Múa rối nước giáo dục con người về tình yêu quê hương, đất nước, hướng tới những giá trị tốt đẹp, khơi gợi sự sáng tạo, ước mơ, khát khao của con người.
Về nhân thức, múa rối nước là bức tranh phản ánh chân thực nhất cuộc sống của người dân nông thôn miền Bắc trước đây, từ đó, thế hệ ngày nay hiểu hơn về đời sống sinh hoạt của ông cha ta.
Ý nghĩa của múa rối nước trong nghệ thuật múa rối nước Việt Nam còn được thể hiện ở giá trị giải trí. Đây là loại hình nghệ thuật góp phần nâng cao đời sống tinh thần lành mạnh của người dân, giúp con người ngày càng thêm yêu thiên nhiên, đất nước.
Trải qua hàng trăm, hàng ngàn năm tồn tại, đến nay, chỉ còn 18 phường rối nước hoạt động, chủ yếu ở các tỉnh ven sông Hồng như Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh. Trên dải đất chữ S có khoảng 23 nhà hát múa rối nước hoạt động, bạn có thể ghé thăm những địa chỉ dưới đây để xem biểu diễn rối nước.
Địa chỉ: Số 361, Đường Trường Chinh, Quận Thanh Xuân, Hà Nội
Theo kinh nghiệm đi Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam là trung tâm biểu diễn rối nước lớn nhất của nước ta với hơn 60 năm thành lập. Hiện tại, nhà hát có 3 sân khấu biểu diễn gồm 1 sân khấu rối cạn và 2 sân khấu rối nước. Qua sự biểu diễn của 5 nghệ sĩ nhân dân, 25 nghệ sĩ ưu tú và các tài năng trẻ khác, nơi đây mang đến những màn trình diễn chuyên nghiệp, đặc sắc nhất phục vụ khán giả.
Các nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối Việt Nam đã biểu diễn trên sân khấu trong nước tới quốc tế, từ châu Á như Nhật Bản, Myanma, Philippines, Hàn Quốc... tới châu Âu như Pháp, Italia, Tây Ban Nha... Hình ảnh chú Tễu cùng những nhân vật ngộ nghĩnh quen thuộc đã chinh phục mọi tầng lớp khán giả.
Địa chỉ: Số 57B, Đường Đinh Tiên Hoàng, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Nhà hát múa rối Thăng Long thành lập từ năm 1969, đến nay đã tồn tại hơn 50 năm. Đây là địa chỉ rất được yêu thích của các khách . Với địa chỉ nằm ngay trên phố Đinh Tiên Hoàng sôi động, giáp Hồ Gươm, bạn có thể ghé thăm nhà hát múa rối và vi vu phố cổ hết sức thuận tiện.
Tới Nhà hát múa rối Thăng Long, bạn sẽ được tận mắt xem các màn biểu diễn sinh động như vở “Công chúa tóc mây, tiết mục "Bay lên từ mặt nước"... được đầu tư chỉn chu, hoành tráng. Hệ thống rạp hiện đại, thoáng đãng.
Địa chỉ: Số 55B, Đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, TP Hồ Chí Minh
Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng là địa chỉ xem múa rối nước lớn nhất ở TP Hồ Chí Minh với lịch chiếu đều đặn, hơn 200 ghế ngồi, rất phù hợp để bạn dành những phút giây thư giãn bên gia đình, người thân.
Hình ảnh chú Tễu, những màn cáo bắt vịt, múa rồng, sự tích Hồ Gươm, những điệu hát chèo tha thiết... đều được thể hiện sống động, tạo ấn tượng mạnh mẽ với khán giả trong và ngoài nước. Một màn trình diễn múa rối khoảng 50 phút, vừa đủ để bạn thư giãn cũng như hiểu hơn về lịch sử dân tộc.
Nghệ thuật múa rối nước Việt Nam vẫn luôn là niềm tự hào của đất nước trên trường quốc tế.