Trong tuyên bố ngày 3-3, AIIB cho biết: "Vì lợi ích tốt nhất của ngân hàng, ban lãnh đạo đã quyết định rằng tất cả các hoạt động liên quan đến Nga và Belarus đang bị tạm hoãn và xem xét".
Ngân hàng này cũng khẳng định đang "tích cực theo dõi tình hình" ở Ukraine và ban lãnh đạo sẽ làm "hết sức mình để đảm bảo sự toàn vẹn tài chính của AIIB".
AIIB khẳng định họ là một tổ chức đa phương được thành lập trên cơ sở một hiệp ước quốc tế, do đó "việc tuân thủ luật pháp quốc tế là cốt lõi của tổ chức chúng tôi".
"Ban lãnh đạo AIIB tin rằng chủ nghĩa đa phương sẽ tạo ra khuôn khổ tốt nhất để các quốc gia hợp tác đối phó với những thách thức chung và hỗ trợ phát triển", thông báo khẳng định.
Trang web của AIIB cho thấy họ đã phê duyệt 2 dự án của Nga với số vốn tài trợ 800 triệu USD. Chỉ một phần nhỏ trong danh mục cho vay của ngân hàng này là ở Nga. Belarus cũng đề nghị vay tiền cho 2 dự án trong lĩnh vực y tế công và giao thông.
Nga là thành viên sáng lập của AIIB, nắm giữ 6,7% cổ phần vốn hóa của ngân hàng này và cũng có ghế trong hội đồng quản trị, theo Hãng tin Reuters.
"AIIB sẵn sàng mở rộng tài chính một cách linh hoạt và nhanh chóng, hỗ trợ các thành viên bị ảnh hưởng bất lợi bởi chiến tranh, trực tiếp hoặc gián tiếp", thông báo của AIIB có đoạn nêu rõ.
Nga và Belarus đang là thành viên của AIIB. Ngân hàng này hoạt động từ năm 2016 nhằm tạo ra đối trọng với các tổ chức tài chính của phương Tây như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế, theo Reuters.
AIIB có gần 90 thành viên, gồm các thành viên ở châu Á và các thành viên bên ngoài khu vực, trong đó có các nước Tây Âu cũng góp vốn. Hiện Ukraine chưa phải là thành viên của AIIB.
Các tổ chức tài chính và doanh nghiệp trên khắp thế giới đang cố gắng giữ khoảng cách với Nga và Belarus vì sợ bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Ngân hàng Phát triển mới có trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc), vốn được thành lập cùng thời điểm và có lý do hoạt động tương tự AIIB, cũng thông báo đã tạm dừng các giao dịch mới ở Nga, theo Reuters.