2022-02-25 14:34:02 - Việt Nam
Cùng với phía Bắc, Huế đang trải qua những ngày mưa rét được đánh giá là mạnh nhất từ đầu mùa đến nay. Nhiệt độ ban đêm giảm sâu dưới 14 độ, càng buốt hơn khi lạnh kèm theo mưa phùn rả rích.
2h sáng, trong khi mọi người đang say giấc thì hàng chục người làm nghề cửu vạn ở bãi tập kết hàng hoá ở chợ Đông Ba và đường Chương Dương cạnh bờ sông Hương vẫn cần mẫn khuân vác, đẩy các xe hàng theo thoả thuận với người thuê, nhộn nhịp cả một đoạn đường.
Kéo theo một xe hàng nặng, anh Trần Văn Quang (32 tuổi) hổn hển: “Mấy nay trời rét quá, làm như thế này người thì nóng nhưng tay vẫn lạnh cóng, cứng đơ“.
Anh Quang cho biết, anh dậy từ trước 12 giờ đêm, làm đến gần sáng hết hàng thì thôi. “Vất vả lắm, nhưng dù sao giữa lúc dịch bệnh khó khăn mà có công việc kiếm ra một ngày vài trăm ngàn thế này để lo cho gia đình cũng là hạnh phúc rồi“, anh Quang chia sẻ.
Các mặt hàng ở đây rất đa dạng nên thu hút được rất nhiều lao động chân tay.
Từ những người đàn ông sức vóc đẩy xe hàng nặng cả tạ...
...Đến những người phụ nữ chọn những mặt hàng nhẹ nhàng hơn.
Chị Nga (46 tuổi) cho biết, chị dậy lúc khoảng 2 giờ sáng, đến bãi tập kết chợ Đông Ba để lấy hàng là lá chuối được xe chở ra từ Quảng Ngãi, sau đó chia ra từng phần và đi bỏ cho các “mối hàng” cho đến sáng.
Các mặt hàng rất đa dạng, từ thịt cá đến chuối, hoa, cau tươi... thứ gì cũng đủ.
Sau khi lấy đủ, hàng hoá lại được các tiểu thương chở đi phân phối cho những chợ nhỏ hơn, xa hơn.
Bà Nguyễn Thị Mười (56 tuổi) - người hơn 30 năm bán hàng trước chợ Đông Ba cho biết, dù nắng nóng hay mưa rét thì hàng bánh mì của chị vẫn mở đều đặn phục vụ cho đủ loại khách hàng, từ khách qua đường đến những người bán hàng rong, bóc vác, đạp xích lô.
“Cửa hàng di động” của bà còn bán xăng lẻ cho những vị khách lỡ xe hết xăng giữa đường.
"Từ lúc có cháu đầu đến nay nó đã lấy vợ, có con, rồi hiện tại nuôi đứa con gái thứ hai đang học đại học, tất cả đều nhờ vào quầy mì này cả", bà Mười tâm sự.
Trời rét nên bà Mười phải mặc áo mưa, đội mủ len kín đầu để chống chọi.
Bán từ khoảng 7 giờ tối hôm trước đến rạng sáng hôm sau, ông Hiệp (62 tuổi, chồng bà Mười) lại phụ vợ dọn dẹp, chở những thứ cồng kềnh về nhà trước.
Sau đó bà Mười đạp xe về nhà cho chồng đỡ quay lại thêm một chuyến vì nhà khá xa.
Lặng lẽ giữa đêm.
Bên kia cầu Trường Tiền, phía sau khách sạn Saigon Morin, dậy từ 1 giờ sáng chuẩn bị, gánh bún rong của chị Út bắt đầu mở bán cho những người lao động sớm từ khoảng 4h30 sáng.
Chị Út cho biết, gần 26 năm nay, trừ những lúc mưa bão thì hầu như gánh bún của chị hoạt động đều đặn. “Đi sớm chứ khoảng đến 7 giờ sáng là hết sạch rồi“, chị Út tươi cười.
Khoảng 5 giờ sáng, có khá đông những người lao động đã có mặt để thưởng thức, hít hà vị cay từ gánh bún vỉa hè đậm chất Huế sau một đêm rét mưu sinh.
Càng về sáng trời càng buốt, rảnh tay thì những người buôn bán, làm thuê ngồi chụm lại như để tạo hơi ấm cho nhau, chia nhau miếng cau, cốc trà nóng để quên đi cái rét. Mỗi người mỗi việc, nhưng đằng sau những đêm dài lao động vất vả là mưu sinh, là cơm áo gạo tiền cho cả gia đình.