2022-05-24 08:47:05 - Việt Nam
Đơn thuốc do bác sĩ kê đơn được người dân mang đến nhà thuốc mua. Ảnh: Nguyễn Ly
Những cái chết từ "thuốc online"
Vừa trải qua những ngày lọc máu liên tục vì uống 80 viên thuốc ngủ với mục đích tự tử, bệnh nhân K (30 tuổi, ngụ quận 1 TPHCM) may mắn được cứu sống tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TPHCM.
Theo gia đình chia sẻ, ngay từ khi học cấp 2, bệnh nhân K đã được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm. Sau khi tốt nghiệp hai trường đại học, K vẫn sống thu mình, không muốn giao tiếp với người xung quanh. Qua thời gian dài liên tục đi xin việc ở nhiều nơi vẫn không được, K càng có tâm lý trầm cảm nặng hơn.
Ông N.V.N - cha của bệnh nhân - cho biết, điều K băn khoăn nhất là không tìm được việc làm. Sau đó, K mua 4 hộp Phenobarbital trên mạng và uống. Khi mẹ phát hiện, 4 hộp thuốc đều trống trơn nhưng K không chịu đi bệnh viện. Khoảng 1 tiếng sau, thuốc ngấm, con vật vã, kích thích nên gia đình đưa đi cấp cứu. Theo bác sĩ Liêu Thị Trúc Thanh, K là trường hợp hy hữu khi uống thuốc với lượng lớn như vậy vẫn cứu được. Sau 3 ngày lọc máu, K qua cơn nguy kịch, cai máy thở, rút nội khí quản, tiếp xúc tốt, nói chuyện được, tình trạng tâm lý ổn định.
Mua thuốc trên mạng quá dễ dàng, cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều người bệnh bị ảnh hưởng sức khoẻ nghiêm trọng. Thậm chí là tử vong. Trường hợp bệnh nhân 53 tuổi, ngụ ở TP.Thủ Đức là một ví dụ điển hình. Theo ThS-BS-CKII Nguyễn Triệu Vũ - Khoa Ung bướu, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức TPHCM - bệnh nhân trên được chẩn đoán ung thư phổi đang hoá trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, bệnh nhân được người quen giới thiệu thuốc dân gian và đặt online về nhà uống, 4 tháng sau khối u đã di căn lên não và tử vong. Nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị của bệnh viện có lẽ tình trạng bệnh sẽ khác.
Kiểm soát thuốc online: Còn nhiều cái khó
Trước kia, việc mua thuốc online chỉ xuất hiện ở một số bộ phận nhỏ người dân, khi đại dịch COVID-19 đi ngang qua, mua thuốc online đã trở thành một thói quen của nhiều người. Ngoài các nhà thuốc tư nhân đẩy mạnh việc bán hàng qua mạng xã hội với các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng nằm trong danh mục được phép bán không kê đơn (OTC), thì không ít cá nhân bán tràn lan các loại thuốc theo quy định phải có bác sĩ kê đơn mới được bán.
Một chuyên gia trong ngành dược lâu năm tại TPHCM cho biết, nguyên tắc của thuốc online là không được bán thuốc kê đơn. Thuốc nằm trong danh mục không kê đơn của Bộ Y tế quy định như: Dụng cụ y tế, thực phẩm chức năng, sản phẩm dinh dưỡng được phép bán online.
Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, hàng hoá online khó có thể kiểm định rõ nguồn gốc, xuất xứ, hoá đơn chứng từ của sản phẩm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân, mà còn khiến nhà nước thất thoát thuế. Người bán online có cơ hội trà trộn những hàng hoá xách tay, hàng cấm… để bán cho người dân qua mạng.
Đồng quan điểm, ThS-BS-CKII Nguyễn Triệu Vũ chia sẻ, nền tảng bán thuốc online hiện nay đang là mảnh đất "màu mỡ". Có rất nhiều cá nhân dù không có chuyên môn trong ngành dược cũng bán sản phẩm liên quan đến sức khoẻ. Đặc biệt, các loại thuốc gọi là “bí truyền, gia truyền” được quảng cáo tràn lan với công dụng thổi phồng mà bản thân người mua đều không biết nguồn gốc thực sự của những sản phẩm này. Khi gặp biến chứng người dân sẽ không biết tìm ai để truy cứu.
Còn đối với những bệnh nhân có bệnh lý nền đặc biệt như ung thư, khi tự ý mua thuốc trên mạng hoặc theo lời giới thiệu rất nguy hiểm. Bởi điều trị ung thư là điều trị lâu dài, cần được điều trị chuyên khoa và có đánh giá lâm sàng trước khi chỉ định thuốc. Nếu sử dụng thuốc online, người bán chỉ quan tâm đến bán sản phẩm, bệnh nhân dễ tốn tiền vô ích, thậm chí gặp biến chứng vì sản phẩm không rõ nguồn gốc, hoạt chất sử dụng.
Hiện nay, theo quy định của Bộ Y tế, giá trị đơn thuốc có hiệu lực trong vòng 5 ngày tính từ lúc bác sĩ kê đơn thuốc.
Được biết, để hạn chế tình trạng này, Bộ Y tế đang chuẩn bị triển khai kết nối Y - Dược qua phần mềm hệ thống quản lý đơn thuốc kê đơn. Bà Lê Thiện Quỳnh Như - Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM - cho biết, hiện nay luật chưa cho phép kinh doanh thuốc qua mạng thông qua hệ thống thương mại điện tử. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua đã có hiện tượng rao bán thuốc trên các nền tảng mạng xã hội.
“Để đảm bảo an toàn và thực hiện nghiêm Luật Dược 2016, đồng thời chấn chỉnh tình trạng vi phạm pháp luật trong kinh doanh thuốc, Sở Y tế TPHCM sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn TP tăng cường kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý các hoạt động mua bán thuốc không đúng quy định trên các nền tảng mạng xã hội” - bà Như nhấn mạnh.
NGUYỄN LY
Nguồn laodong.vn