Vùng đồi núi phía tây tỉnh An Giang có 37 ngọn núi có tên. Nhưng, xưa nay người ta vẫn quen gọi đây là vùng "Bảy Núi", với những ngọn núi tiêu biểu là Cấm, Sam, Tô, Tượng, Két, Dài, Tà Béc (theo Tự vị tiếng nói miền Nam của cụ Vương Hồng Sển).
Trong số đó, với độ cao trên 700 mét, núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang), hay còn gọi là Thiên Cấm Sơn là ngọn núi cao nhất, lớn nhất, được xem là "nóc nhà miền Tây".
Trên đỉnh Cấm sơn, được coi là “nóc nhà miền Tây”, một địa chỉ tâm linh của người gần xa. Rau rừng là một trong những đặc trưng mà nhiều người bước lên núi Cấm cũng muốn thưởng thức
Xứ rau ở trên cao
Tuy vậy, cũng chẳng nhiều người miền Tây quan tâm tới điều đó. Nếu như nơi đây không từng là sơn lãnh của những đạo sĩ huyền thoại. Chuyện lên núi Cấm tu luyện một thời gần như là để "chứng minh đẳng cấp" của các bậc hành trượng trong vùng.
Chắc vì vậy mà trên núi có nhiều chùa, miếu, am, cốc… Để rồi, ngọn núi thiêng trở thành địa chỉ tâm linh của người dân miệt dưới. Có khách thì có hàng quán. Đặc trưng chung là cứ mười quán ăn ở đỉnh Cấm sơn thì có đến chín quán bày biện đầy tràn rau, rau và rau.
Trên đỉnh Cấm sơn có một hồ cá rộng. Ven hồ có trên chục quán bánh xèo. Nói, tưởng như bánh xèo là đặc sản ở đây? Không phải.
Nói, lại tưởng trên núi Cấm có nhiều quán bánh xèo ngon? Dễ gì có.
Nói, lại tưởng ở trên cao này có nhiều thịt, thà, cá, tép? Sức mấy mà có.
Nói thật dễ mất lòng, chứ tìm đỏ mắt trong số chen chúc các quán bánh xèo trên đỉnh Cấm sơn, chẳng có lấy một nơi đổ bánh xèo ngon. Nơi thì bột khô, cứng muốn gãy răng; nơi thì bánh nhão như chảy; nơi thì tôm tép teo héo…
Nếu không phải lên tới đây đã phải đói meo, thì cũng nên sẵn sàng cho những thất vọng với các đầu bếp đổ bánh xèo núi Cấm.
Mà, dường như chẳng mấy người chấp nhất món bánh xèo ngon, dở. Khi nó chỉ là cái cớ để người ta dễ dàng bị dẫn dụ vào những chiếc quán ngập rau.
Tới công chuyện là đây. Đi một vòng trên đỉnh Cấm sơn, sẽ khó cưỡng sức hút của những quầy rau đủ màu, đủ vị, được chất như núi. Rau là để ăn với bánh xèo. Nhưng kỳ thật, cho công bằng, phải nói rằng bánh xèo được ăn cùng với rau mới đúng.
Một chiều. Vừa bước chân xuống triền dốc qua chùa Phật Lớn, tôi đã hứa ngay với vợ chồng cô chủ quán bánh xèo Kim Ngân ngay đầu dốc, là sẽ quay lại ăn ở quán của họ. Dù rằng, tôi có mối quen biết lâu năm với vợ chồng chủ quán Hai Bưởi bên kia hồ.
Cũng bởi vì dãy rau bày biện ven lối đi của quán khiến khách xa dễ rơi vào tâm lý của gã trai mới lớn lần đầu gần gái đẹp. Xiêu lòng ngay. Để rồi, lên xuống dích dắc qua những con dốc, tôi lại thấy việc giữ lời hứa quả là một áp lực. Khi mà, vài bước lại dính mắt vào rau lá, và những lời mời; rồi lại rau lá, lời mời…
Mơn mởn và ngào ngạt!
Dân miền Tây có thành ngữ "Buồn ngủ gặp chiếu manh". Nghĩa là khi cơn ngủ ập tới, thì có nằm trên chiếu manh hay mền êm, nệm ấm cũng ngon như nhau.
Như có lần tôi lạc lên núi Cấm trong đêm mưa lạnh. Đói và mệt. Nhà nhà đóng cửa, tắt đèn. Duy bếp nhà Hai Bưởi vẫn còn sáng. Rồi lại bánh xèo. Rồi mớ rau rừng mắc mưa được bày cho khách xa.
Bánh xèo nóng ăn kèm với rau lạnh vì mưa: chua chua, chát chát, bùi bùi, the the… Một bản phối mùi, phối vị hoàn hảo. Rồi tôi tự thấy vị giác của mình nó may phước.
Như gã thèm rượu cơ nhỡ được rót cho ngụm whisky thượng hạng. Hắn nghe hơi ấm nồng và mùi thơm được chia chác khắp cơ thể. Để rồi thu lại một cảm giác cộng hưởng. "Mồ hôi lưỡi" đổ cùng những thớ rau tuột khỏi chân răng.
Ngon điếng người!
Tìm đỏ mắt trên đỉnh Cấm sơn một quán bánh xèo ngon, nhưng khi phối với rau rừng thì nó trở nên hấp dẫn
Bữa ăn "nên thuốc"
Cũng là người tứ xứ lên đây, Hai Bưởi kể rằng vợ chồng anh gây dựng cái quán nhỏ và hút khách cũng nhờ rau lá trên núi rừng Cấm sơn. Rồi chuyện đời chợt rẽ sang chuyện rau.
Là vì, tôi vừa ăn rau lá rừng, lại được chủ quán kể về rau lá rừng, nên tôi tin. Hỏi tới, hỏi tấp. Hai Bưởi nói rau rừng ở Cấm sơn có chừng 30 loại. Loại nào cũng đậm mùi, đậm vị hơn nơi khác. "Là vì thổ nhưỡng ở đây. Với lại toàn là rau, lá tự nhiên nên nó chất", anh nói.
Vừa kể về rau, Hai Bưởi lại nhắc khách loại rau nào nên ăn cùng với rau nào. "Phải ăn đúng bài. Chứ không biết là ăn toàn rau chát hoặc rau chua, rau the với nhau thì mất ngon", anh dặn. "Nhiều người ăn mà nhăn mặt, rồi nói rau rừng không ngon.
Như lá sung có vị chát, lá bứa có vị chua, ăn riêng thì khó ăn. Nhưng nếu ăn kẹp lá sung, lá bứa, lá đinh lăng rừng có vị the nồng. Khi ăn, lưỡi tiết ra vị ngọt… Hay muốn ăn ên thì lá sộp, lá lụa cũng có vị chua, chát, thơm…".
"Ăn đúng hay ăn sai cách thì rau rừng cũng chỉ có bổ và lành. Nhiều loại rau ăn nên thuốc lắm", chủ quán tâm đắc.
"Rau rừng ngon nhất là thời điểm giáp mùa mưa", ông lão Tư Đền có bộ râu trắng phếu nói ông cũng trên 80 năm cuộc đời ăn rau rừng, rau núi. "Ở dưới xuôi, giờ thức ăn thập lẫm. Nhưng càng ăn càng không tốt.
Một thợ rừng ở ấp Rau Tần nói anh sống… trên cây nhiều hơn ở nhà. Những người sống bằng nghề hái rau rừng là những người bảo vệ rừng như bảo vệ sự sống
Nhiều món đụng tới là hóa chất. Còn lên đây, người ta hái rau, lá tự nhiên mà ăn. Bụng dạ nhẹ tênh. Bệnh tật cũng tiêu trừ…", ông lão thầy thuốc nói rằng, trong bữa ăn của dân núi Cấm có bao nhiêu là vị thuốc.
"Người dưới đồng bằng hay lên núi kiếm cây cỏ về làm thuốc. Trong đó, có nhiều vị thuốc nằm trong bữa ăn đạm bạc của dân núi Cấm", ông Tư Đền bấm ngón tay. Như rau cát lòi, gừng gió, quýnh, gối, kim thất, đinh lăng, chòi mòi, phổi heo… đều là món ăn tốt cho sức khỏe.
"Hồi trước, trên vùng khỉ ho cò gáy làm gì nhiều thức ăn. Mấy ông đạo sĩ ăn rau, lá mà sống thượng thọ. Ăn ngán thì người ta chế biến nhiều món. Đến khi có món này món kia thì người ta ăn kèm với rau. Nhưng đồ luộc hay đồ chiên thì ăn kèm rau ngon nó sẽ làm bữa ăn ngon hơn", anh Năm Đấu chia sẻ.
Rau, lá rừng núi Cấm không có nước chấm riêng như các món gỏi lá ở Tây Nguyên. Kiểu ăn đơn giản như tính cách dân miền Tây cũng thể hiện ở đây. Cái người ta luôn giữ bất di bất dịch là giữ rau luôn tươi, ngon. Trong mỗi hàng rau, có một bó bị mất tươi là coi như tất cả bị xuống màu.
Rời những quầy rau tràn ngập quán xá trên đỉnh núi, tui đi theo chỉ dẫn của những người thạo rừng, về hướng Vồ Chư Thần. Thỉnh thoảng, lại gặp những người treo lơ lửng trên cây cao. Không ít lần, tôi phải đứng tim vì trên những tán xanh, chợt xuất hiện những bóng người thoăn thoắt.
"Dân ở ấp Rau Tần có nhiều người sống bằng nghề đi hái lá rau rừng về bán. Mỗi ngày, làm siêng thì cũng hái được vài chục ký. Hái khu rừng này xong thì sang khu rừng khác, để cho cây ra lá mới…", anh thợ rừng tên Vũ nói rau rừng là nguồn sống của nhiều gia đình dân núi. Họ hái rồi đem sớm cho các quán ăn ở trung tâm đỉnh núi, nơi có nhiều khách du lịch lên đây.
"Coi vậy chứ chúng tôi giữ cây rất nghiêm. Có những cây nuôi sống gia đình tôi cả chục năm, nhờ hái lá đi bán. Nên dân ở đây giữ rừng là giữ kế sinh nhai…", nói đoạn, anh thợ rừng kêu khách lạ muốn ăn rau thì cứ việc lấy về ăn, bao nhiêu cũng được.
Những chuyến xe len lách qua những hẻm rừng, chở đầy những giỏ rau vừa hái hướng ra khu quán ven hồ. Anh thợ rừng còn tranh thủ dặn khách: "Lần sau anh muốn ăn rau gì cứ gọi em, em hái ăn mệt nghỉ. Rau rừng mà ăn trong rừng mới ngon…".
Nghe tới đây, bất giác tôi lại "đổ mồ hôi lưỡi". Như vị ngọt, the, thơm phức của gã thèm rượu được nốc ly whisky thượng hạng. Bất giác, Vũ nói chắc ăn: "Rau rừng núi Cấm là rau thượng hạng"!
Chắc chắn là vậy!