2022-05-18 09:01:05 - Việt Nam
Công nhân vận hành máy tại Nhà máy giấy An Hoà (Tuyên Quang).Ảnh: N.T
Khi các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra, các cơ quan chức năng tỉnh, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã vào cuộc làm rõ nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên những hậu quả để lại là lâu dài cho không chỉ gia đình, doanh nghiệp mà toàn xã hội.
Chị Ma Thị Sen ở xã Tân An (Chiêm Hoá, Tuyên Quang) vẫn sợ hãi khi nhắc về vụ tai nạn lao động xảy ra hơn 1 năm về trước. Khi ấy, chị Sen đang là công nhân của một xưởng sản xuất gỗ ván ép và chỉ trong phút lơ là đã xảy ra tai nạn lao động khiến chị mất đi ngón tay cái. Từ đó đến nay, phần vì vết thương chưa ổn định, phần vì vẫn còn ám ảnh của vụ việc chị Sen chưa thể đi làm trở lại.
Theo thống kê của Sở LĐTBXH tỉnh Tuyên Quang, trong năm 2021 toàn tỉnh đã xảy ra 74 vụ tai nạn lao động làm chết và bị thương nặng 18 người, 56 người bị thương nhẹ, số người chết và bị thương nặng giảm, song các vụ tai nạn lao động có xu hướng tăng so với năm trước.
Bà Lý Thị Hải Hiền - Trưởng phòng Lao động (Sở LĐTBXH tỉnh Tuyên Quang) - cho biết, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả người lao động và người sử dụng lao động rất quan trọng. Song hành với đó, ngành chức năng thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát đánh giá nguy cơ rủi ro về tai nạn lao động tại từng doanh nghiệp từ đó đưa ra những yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ theo đúng quy định.
Còn tại tỉnh Thái Nguyên, trong năm 2021, TNLĐ có giảm về số vụ, số người bị nạn, nhưng số vụ chết người và số người bị chết, người bị thương nặng tăng so với năm 2020. Trong số 102 vụ TNLĐ thì có tới 15 vụ đặc biệt nghiêm trọng làm 16 người chết, thiệt hại gần 3 tỉ đồng và hơn 2.000 ngày công lao động phải nghỉ do tai nạn lao động.
Qua phân tích, điều tra nguyên nhân của các vụ tai nạn lao động cho thấy, phần nhiều có sự chủ quan của NLĐ và người sử dụng lao động, vi phạm về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy phạm an toàn, chưa có biện pháp làm việc an toàn. Tại nhiều doanh nghiệp, NLĐ chưa được huấn luyện hoặc huấn luyện chưa đầy đủ về ATVSLĐ cũng như không sử dụng đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động.
Thời gian vừa qua, các địa phương đã triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022 với chủ đề “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Đây được xem như là cao để điểm nhắc nhở toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác an toàn lao động.
Nhưng rõ ràng với những hậu quả TNLĐ, bệnh nghề nghiệp để lại thì các biện pháp kiểm soát tai nạn lao động, bảo vệ người lao động cần được làm quyết liệt ở tất cả các khâu và mọi thời điểm chứ không chỉ đẩy mạnh ở những “Tháng hành động”. Sự phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch cần đi đôi với xây dựng môi trường lao động an toàn. Sức khoẻ, sự hạnh phúc của người lao động chính là tiêu chí đánh giá cho một môi trường lao động bền vững.
NGUYỄN TÙNG
Nguồn laodong.vn