2022-04-05 15:48:04 - Việt Nam
Người ít hơn nhưng công việc không thay đổi
Sau nhiều tháng suy nghĩ, anh N.V.T là điều dưỡng tại Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (bệnh viện đa khoa tuyến quận hạng một đầu tiên trên cả nước) quyết định nộp đơn xin nghỉ việc. Lý do lớn nhất được anh chia sẻ là tiền lương quá thấp.
Lực lượng nhân viên y tế Bệnh viện TP Thủ Đức tham gia chống dịch. Ảnh: N.L
Trải lòng về quyết định này, anh T. cho biết đã gắn bó với Bệnh viện TP Thủ Đức được 2 năm. Thời gian đầu làm việc, mức lương của anh T. là 10.000.000 đồng, chưa tính đến các khoản phụ cấp ngoài.
Dịch bệnh COVID-19 thứ 4 bùng phát năm 5.2021 đến nay, anh T và đồng nghiệp làm việc không biết ngày đêm nhưng mỗi lần nhận lương đều hụt hẫng, bởi đồng lương thấp như xuống dốc không phanh.
“"Bây giờ, tôi chỉ còn lương cơ bản và thu nhập tăng thêm, được tổng cộng 5 triệu đồng. Có người khác còn thấp hơn. Ai không may bị COVID-19 thì tháng đó chỉ còn lương cơ bản…", anh T buồn bã chia sẻ.
Ở Khoa Truyền máu - Huyết học của Bệnh viện TP Thủ Đức, tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc cũng tương tự. Theo anh T., các đồng nghiệp tại khoa này từ 40 người nay chỉ còn 18 người, ít người hơn nhưng công việc vẫn không thay đổi. Mọi người nghỉ cũng chỉ vì đồng lương bèo bọt, không đủ trang trải cuộc sống tại TPHCM.
Cũng theo anh T. nhân viên y tế hiện nay tại Bệnh viện TP Thủ Đức muốn được nghỉ phải mất hàng tháng mới được duyệt đơn. Bản thân anh cũng phải sau 2 tháng nộp đơn anh mới được nghỉ hẳn việc.
Lãnh đạo bệnh viện nói gì?
Trước những thông tin chia sẻ của lực lượng y tế về tình hình nghỉ việc nhiều, lý do chủ yếu là do lương, một lãnh đạo của Bệnh viện TP Thủ Đức khẳng định, việc giải quyết nghỉ việc cho nhân viên y tế hiện được thực hiện đúng theo quy trình và quy định.
Công việc mỗi ngày áp lực nhưng đồng lương thấp. Ảnh: FBBV
“Tất cả đều theo đúng quy trình, bệnh viện không gây khó khăn gì cho nhân viên cả. Thật sự thì đơn vị nào cũng muốn nhân sự gắn bó lâu dài và động viên họ ở lại. Tuy nhiên, nếu nhân viên đã quyết định, có sự đồng ý của lãnh đạo khoa, ban chấp hành công đoàn... thì chúng tôi sẽ giải quyết. Đây là quyền lợi của họ”.
Trước câu hỏi, từ năm tháng 5.2021 đến nay, đã có bao nhiêu nhân viên y tế của Bệnh viện TP Thủ Đức xin nghỉ việc, lãnh đạo này từ chối trả lời.
Người này chia sẻ thêm, bất cứ sự việc gì liên quan đến Bệnh viện TP Thủ Đức hiện nay dễ bị liên hệ đến sự việc khác, có thể ảnh hưởng tâm lý của nhân viên đang công tác tại bệnh viện. Việc nhân viên y tế nghỉ việc là bình thường nhưng nếu đặt trong thời điểm này sẽ bị hiểu theo hướng không tích cực.
Có thể nói, đây là giai đoạn khó khăn nhất của nhân viên Bệnh viện TP Thủ Đức khi tháng 11.2021, nguyên Giám đốc Bệnh viện bị bắt để điều tra về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Tháng 1.2022, một nhân viên phòng vật tư của bệnh viện bị bắt tạm giam do liên quan đến vụ mua kit test của công ty Việt Á.
Không riêng bệnh viện TP. Thủ Đức, làn sóng nhân viên y tế nghỉ việc cũng đã diễn ra ở nhiều bệnh viện công khác trong 2 năm qua. Năm 2020, TPHCM có 597 nhân viên y tế cơ sở công xin nghỉ việc và năm 2021 đã có thêm 968 trường hợp xin nghỉ - con số cao nhất ở TPHCM sau thời gian dài gồng mình chống dịch COVID-19. Riêng quý 1 năm 2022 TPHCM cũng có khoảng 400 nhân viên y tế xin nghỉ việc. Nguyên nhân chủ yếu được Sở Y tế cho biết là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nguồn thu nhập của nhiều bệnh viện và cơ sở y tế bị sụt giảm nhiều nên ảnh hưởng đến thu nhập của các nhân viên y tế.
Theo bà Lê Thiện Quỳnh Như - Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM, sắp tới HĐND TPHCM sẽ họp và thông qua một số chính sách hỗ trợ nhân viên y tế, đặc biệt là nhân viên y tế ở tuyến cơ sở.
NGUYỄN LY
Nguồn laodong.vn