2021-10-20 14:18:10 - Việt Nam
Nêu tình trạng văn bản hướng dẫn chống dịch tại một số địa phương phải đính chính, thu hồi, sửa đổi, Ủy ban Xã hội dẫn chứng việc Hà Nội liên tục điều chỉnh về giấy đi đường.
Sáng 20/10, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày trước Quốc hội báo cáo thẩm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết 30 trao một số quyền đặc biệt cho Chính phủ trong phòng chống dịch.
Bà Thúy Anh nhận định Chính phủ đã chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng chống dịch thông qua việc kịp thời trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số nội dung khác luật, luật chưa quy định hoặc vượt thẩm quyền.
Ngoài ra, Chính phủ đã chủ động, khẩn trương, kịp thời ban hành trên 100 văn bản (bao gồm các nghị quyết, chỉ thị, công điện, công văn...) để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng chống dịch với mục tiêu bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra nhận định văn bản hướng dẫn, trả lời của các bộ, ngành Trung ương để giải quyết các vấn đề, vướng mắc, phát sinh ở địa phương đôi khi còn chậm, chẳng hạn như quy định "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19"; văn bản hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mua sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm, thực hiện việc tự xét nghiệm và việc công nhận kết quả xét nghiệm…
Báo cáo của Ủy ban Xã hội đề cập việc Hà Nội liên tục thay đổi việc cấp, kiểm tra giấy đi đường được. Ảnh: Việt Linh. |
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội còn chỉ ra văn bản chưa phù hợp với tình hình thực tiễn do ban hành gấp, đánh giá tác động còn hạn chế, có văn bản của địa phương chưa thống nhất với hướng dẫn của Trung ương. Thậm chí, có tình trạng người thi hành công vụ hiểu sai, áp dụng sai hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn, vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh.
Cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng nêu tình trạng văn bản hướng dẫn tại một vài địa phương phải đính chính, thu hồi, sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Một số trường hợp làm phát sinh thủ tục hành chính mới, chưa phù hợp với quy định pháp luật.
Điển hình như Hà Nội liên tục thay đổi cơ chế cấp giấy đi đường, Bà Rịa - Vũng Tàu liên tục ban hành các văn bản thay đổi, thu hồi các công văn, quyết định liên quan đến việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm test kháng nguyên Covid-19 chỉ trong vòng một ngày.
Ở Hà Nam, chỉ sau vài giờ ban hành Quyết định áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng với toàn bộ thành phố Phủ Lý, địa phương lại ban hành quyết định điều chỉnh, thu hẹp và giãn cách một phần của 12 xã, phường thuộc thành phố này.
Ghi nhận những kết quả quan trọng đạt được trong công tác phòng chống dịch thời gian qua, Ủy ban Xã hội cũng đánh giá việc ứng phó với đợt dịch thứ 4 đã bộc lộ những hạn chế của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Ngoài ra, một số địa phương chưa tuân thủ theo các hướng dẫn của Bộ Y tế về tiêm vaccine cho người dân.
Một số cơ sở y tế chưa thực hiện đúng quy định về giá xét nghiệm Covid-19, thu phí xét nghiệm cao, vẫn yêu cầu bắt buộc xét nghiệm khi đi khám chữa bệnh, gây bức xúc cho người dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: Quốc hội. |
Về sản xuất kinh doanh và lao động - việc làm, cơ quan thẩm tra chỉ ra nhiều tác động bất lợi từ đại dịch. Lượng lớn lao động dịch chuyển từ các tỉnh, thành phố lớn về quê tạo nguy cơ thiếu lao động, gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng lao động trong và sau các làn sóng dịch.
Chỉ ra bất cập về an sinh xã hội, bà Thúy Anh nêu thực tế có lúc, có nơi đã xuất hiện tình trạng đói và thiếu đói trong số nhưng người "mắc kẹt" tại các địa bàn phong tỏa, giãn cách ở đô thị lớn.
Từ những bất cập đã chỉ ra, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát, đánh giá các văn bản, quy định liên quan đến công tác phòng chống dịch để kịp thời sửa đổi, bổ sung.
Chính phủ cũng cần khẩn trương ban hành Chiến lược tổng thể về phòng chống dịch, phục hồi kinh tế để thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch và ưu tiên nguồn lực đầu tư cho ngành y tế.
Theo zingnews