2022-04-20 09:18:04 - Việt Nam
Minh họa của ĐAN
Sợ tụt hạng, đổ xô đi học chứng chỉ nghề nghiệp
“Chúng tôi nhận được thông báo của Ban giám hiệu nhà trường, để được bổ nhiệm xếp lương theo hạng mới thì cần phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đúng theo hạng mình đang giữ. Do đó, để đảm bảo quyền lợi, giáo viên cần chủ động tìm hiểu và đăng ký học tại 1 trường được phép đào tạo, cấp chứng chỉ. Kèm theo thông báo này, nhà trường gửi danh sách 49 cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập để chúng tôi lựa chọn đăng ký” - cô L.T.H - một giáo viên có 20 năm công tác tại Thanh Hóa cho biết.
Theo dõi thông tin trên truyền thông, được biết Chính phủ đã ban hành Nghị định 89/2021/NĐ-CP và yêu cầu Bộ GDĐT sửa đổi chùm thông tư số 01, 02, 03, 04/2021 về bổ nhiệm xếp lương giáo viên theo hướng chỉ cần 1 chứng chỉ thay vì nhiều chứng chỉ theo từng hạng như trước đây, cô H thắc mắc hỏi nhà trường. Sau đó, cô nhận được lời giải thích là hiện Bộ GDĐT chưa ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định và sửa lại chùm thông tư 01, 02, 03, 04 nên vẫn thực hiện theo quy định cũ. Tức là giáo viên được bổ nhiệm ở hạng nào thì phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của hạng đó, nêu không có thì không được bổ nhiệm, xếp lương.
Giữa lúc xôn xao vì chưa có đầy đủ thông tin, cô H và nhiều giáo viên tại Thanh Hóa liên tục nhận được cuộc gọi quảng cáo các lớp học chứng chỉ “cấp tốc” với mức học phí từ 2-2,5 triệu đồng, thậm chí còn được đưa vào danh sách giáo viên đã đăng ký.
“Dù chưa có thông tin chính thức của Phòng GDĐT hay Sở GDĐT, đã có 2 đơn vị thông báo qua zalo kêu gọi thành lập lớp học chứng chỉ là Trường Đại học Vinh và Đại học Hồng Đức” - cô H cho biết.
Những ngày qua, trên các hội, nhóm của giáo viên tại Thanh Hóa, chuyện đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, chuyện “nâng hạng”, “tụt hạng”, “giữ hạng” là chủ đề gây bàn tán nhiều nhất. Lo lắng bị “tụt hạng”, “hạ lương”, rất nhiều giáo viên tại tỉnh Thanh Hóa đã đổ xô đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp dù chưa biết chính xác thông tin về khóa học, thời lượng, nội dung học,... Kèm theo đó, số tiền các cô phải chi trả dao động từ 2 đến gần 3 triệu đồng - con số không hề nhỏ so với thu nhập của giáo viên hiện nay.
Cô Lê Thị Sáu - giáo viên mầm non hạng II tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện cô và một số đồng nghiệp đang tham gia lớp học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II để “giữ hạng”. Theo cô Sáu, Phòng GDĐT gửi danh sách giáo viên chưa có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, phối hợp với Trường Đại học Vinh liên kết với Phòng GDĐT tổ chức lớp học online.
Nhiều tiêu cực trong việc cấp chứng chỉ “cấp tốc”
Không chỉ tại Thanh Hóa, nhiều tỉnh thành khác, tình trạng giáo viên bị “lùa” vào các lớp bồi dưỡng tín chỉ chức danh nghề nghiệp cũng diễn ra. Nhiều giáo viên ví thời điểm này là “chuyến tàu vét”, trong thời điểm chờ Bộ GDĐT ban hành thông tư sửa đổi chùm thông tư về bổ nhiệm, xếp lương theo các quy định mới theo Nghị định 89/2021/NĐ-CP, thì các cơ sở đào tạo tranh thủ đi liên kết với các địa phương để “thúc” giáo viên đi học.
Cô P.T.T - giáo viên bậc tiểu học ở Vĩnh Phúc chia sẻ, dù biết cố chờ một thời gian nữa, khi thông mới được ban hành, giáo viên sẽ chỉ có một chứng chỉ khi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, nhưng vì bị thúc ép và “thấy đồng nghiệp đi học, mình cũng đi cho đầy đủ các loại giấy tờ, thủ tục, tránh những rắc rối, phiền phức sau này”.
Trải nghiệm khóa học “cấp tốc”, cô P.T.T nhận xét, khóa bồi dưỡng không thực chất, chỉ là học cho có, quan trọng là được cấp đầy đủ các chứng chỉ theo quy định. “Nhiều giáo viên cả khóa học chỉ đến được 2-3 buổi. Còn lại đa số chỉ đến điểm danh cho có. Quan trọng là buổi cuối cùng đi thi, nếu thi qua sẽ được cấp chứng chỉ” - giáo viên này chia sẻ.
Cô N.T.Q - giáo viên bậc tiểu học ở Hưng Yên - cũng khẳng định: “Đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp kéo dài khoảng hơn 1 tháng. Quá trình học, cũng có những phần nội dung đã biết trong quá trình giảng dạy, nhưng cũng có những phần kiến thức mà giáo viên chưa bao giờ nghiên cứu đến và thực tế cũng không thể áp dụng trong quá trình giảng dạy. Dù không phục vụ giảng dạy, tốn kém nhưng loại chứng chỉ này lại liên quan đến quyền lợi sát sườn của giáo viên là giữ được hạng để xếp lương, nên đành ngậm ngùi đi học.
Với gần 30 năm gắn bó với nghề giáo, bồi dưỡng, đào tạo bao thế hệ học sinh thành tài, có đóng góp cho đất nước, xã hội, cô Lê Thị Thủy - giáo viên bậc THCS tại Thanh Hóa - khẳng định, việc học bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không liên quan và không phục vụ việc giảng dạy, chuyên môn sư phạm của giáo viên.
Giáo viên “ngóng” quy định cắt bớt chứng chỉ từ Bộ GDĐT
Bộ GDĐT đã công bố dự thảo để lấy ý kiến góp ý cho thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập. Thông tư này nhằm cập nhật thêm những điểm mới và sửa những điểm bất cập trong chùm thông tư 01, 02, 03, 04 về thăng hạng, xếp lương giáo viên.
Theo đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT), Bộ sẽ sửa đổi theo hướng mỗi cấp học có 1 chương trình bồi dưỡng, mỗi giáo viên chỉ cần 1 chứng chỉ bồi dưỡng tương ứng với cấp học đang giảng dạy.
Tuy nhiên đến nay, do thông tư sửa đổi này chưa được ban hành, nên các địa phương gặp lúng túng trong việc thực hiện bổ nhiệm, xếp hạng cho giáo viên. Nhiều nơi, giáo viên vẫn bị “ép” đi học các lớp chứng chỉ theo các quy định cũ để giữ hạng. Giáo viên kiến nghị Bộ GDĐT sớm ban hành thông tư sửa đổi chùm thông tư 01, 02, 03, 04 và cắt giảm tối đa chứng chỉ cho giáo viên tập trung vào công tác chuyên môn, giảng dạy.
VÂN TRANG - BÍCH HÀ
Nguồn laodong.vn