Giải quyết tình trạng kẹt cảng, thiếu container để gia tăng xuất khẩu

Việc các cảng biển trên thế giới bị kẹt cứng, thiếu vỏ container rỗng đang tiếp tục là vấn đề làm “đau đầu” các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa hiện nay.

2021-10-15 09:20:10 - Việt Nam

Giải quyết tình trạng kẹt cảng, thiếu container để gia tăng xuất khẩu

Tình trạng thiếu container rỗng khiến các DN gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Theo VPAS
Tình trạng thiếu container rỗng khiến các DN gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Theo VPAS
 

Việc các cảng biển trên thế giới bị kẹt cứng, thiếu vỏ container rỗng đang tiếp tục là vấn đề làm “đau đầu” các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa hiện nay.

Giá cước tàu biển và thuê container rỗng lại "phi mã"

Trao đổi với PV Lao Động, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết: Vấn đề container rỗng, booking (đặt chỗ) trên các tàu vẫn rất căng thẳng”. 

Thông tin từ các DN xuất nhập khẩu (XNK) và DN cung ứng dịch vụ logistics cho biết, các DN cũng đang gặp hàng loạt vấn đề khó khăn về nhân công, tài xế, kho bãi, chi phí vận chuyển tăng cao, đặc biệt cước vận chuyển container vẫn tiếp tục tăng cao khiến DN gặp rất nhiều khó khăn. Theo nguồn tin mà PV có được, hiện tại, cước vận chuyển container đến các cảng của Mỹ đã tăng từ 1.800 USD lên 9.600 USD/container. 

“Sóng” tăng giá container không chỉ tăng tại các thị trường vốn được coi là đắt đỏ như Châu Âu (EU), mà còn tăng cả ở thị trường Châu Á. Cụ thể, từ 1.8.2021, các hãng đã thông báo tăng giá lên mức từ 2.000 - 5.000 USD/container.

Theo đại diện Tân Cảng Sài Gòn, khó khăn nhất hiện nay trong tháng 10.2021 là tình trạng các hãng tàu tự hủy booking (đặt chỗ) của khách hàng. Đơn cử như Intimex là khách hàng lớn xuất khẩu gạo, đặt chỗ rất nhiều nhưng vẫn bị hủy booking vì thiếu chỗ (do các hãng tàu hủy chuyến và tăng cước). Hơn nữa, mặt hàng gạo không được ưu tiên so với các mặt hàng khác.

“Nếu như thiếu bãi để hàng hay thiếu nơi đóng hàng chúng tôi có thể khắc phục được, nhưng nếu thiếu container rỗng hoặc thiếu chỗ trên tàu thì chúng tôi không thể có giải pháp khác. Hiện nay Trung Quốc kéo container rỗng về bên đó rất nhiều, nhiều tàu của các hãng trên thế giới cũng đang bị mắc kẹt tại các cảng ở nhiều nơi trên thế giới…

Hơn nữa, COVID-19 tại khu vực phía Nam cũng khiến các hãng tàu cắt chuyến và giảm chuyến về Việt Nam khiến nguồn cung thiếu hụt. Một số DN XK gạo đã có giải pháp khắc phục bằng cách đi hàng tàu rời, gạo cho lên khoang tàu chở đi trực tiếp chứ không được đóng vào bao" - bà Nguyễn Thị Minh - phụ trách ngành hàng gạo XK qua Tân Cảng Sài Gòn nêu ý kiến.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), tình trạng thiếu hụt container rỗng trên thị trường dẫn đến hiện tượng DN nào trả cước cao hơn thì hãng tàu sẽ cấp container. Thậm chí các DN đã có được booking container (đăng ký container) rồi nhưng do cước phí thuê tăng lên hàng ngày nên các hãng tàu sẵn sàng hủy booking của DN đó để chuyển cho DN khác nếu được trả cước cao hơn…

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), “Tuần lễ Vàng tháng 10”, Giáng sinh trên toàn cầu và Tết Nguyên đán tại Châu Á là những tác nhân thúc đẩy nhu cầu vận chuyển container tăng mạnh trong quý IV/2021. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng tắc nghẽn cảng, đặc biệt là ở Mỹ và Châu Âu đang gây khó khăn lớn cho cả DN XNK và cả DN cung ứng chuỗi dịch vụ logistics không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

Nguy cơ ách tắc sản xuất, XNK

Mặc dù Cục Hàng hải Việt Nam đã chấn chỉnh và khuyến nghị các hãng tàu thực hiện đúng quy định về công khai minh bạch giá cước vận tải; có cam kết về lịch trình, chỗ trên tàu và bảo đảm đủ lượng container rỗng để vận chuyển hàng hóa. Trong trường hợp tự cắt tuyến, cắt chuyến, cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam sẽ áp dụng các chế tài để quản lý chặt. Tuy nhiên, tình trạng tự hủy booking, tự chuyển container rỗng cho khách hàng khác vẫn tiếp tục xảy ra.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Vasep cho biết, việc thiếu hụt container cho XNK hàng hóa đã và đang dẫn đến ách tắc cả phía XK đi và cả chiều nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ sản xuất trong nước.

Ngoài ra, việc ách tắc này cũng khiến nhiều DN phải trả thêm chi phí lưu kho, lưu bãi do các lô hàng bị ách tắc tại các cảng biển do không thuê được container vận chuyển. Điều này gây bất lợi là đẩy giá thành sản phẩm lên cao, khiến DN XNK Việt Nam khó cạnh tranh với các "đối thủ" khác, kể cả đối với các mặt hàng mà Việt Nam đang có nhiều lợi thế như thủy sản, đồ gỗ, gạo, trái cây, càphê..., bởi có những lô hàng xuất đi, chi phí đã lên tới 20.000 USD/container, nhưng giá trị hàng hóa trong container chỉ khoảng 15.000USD.

Theo cục Hàng hải Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị các cảng vụ quản lý hoạt động tàu container yêu cầu các hãng tàu vận tải container cung cấp và cập nhật thông tin giá cước, phụ thu giá vận tải container quốc tế và nội địa bằng đường biển trên các tuyến vận tải container xuất phát từ khu vực cảng biển do cảng vụ quản lý.Một tín hiệu vui cho các DN XNK Việt Nam là mới đây hãng tàu CMA-CGM (Pháp) đã ra thông báo cam kết không tăng giá cước vận tải container ở Việt Nam đến tháng 2.2022. Theo đó, CMA-CGM quyết định sẽ dừng tăng giá cước vận tải container do các thương hiệu của tập đoàn (CMA CGM, CNC, Containerships, Mercosul, ANL, APL) vận hành từ nay đến ngày 1.2.2022.

PHONG NGUYỄN

Theo laodong.vn

0

Doanh nghiệp

0

Sản phẩm

0

Năm Hoạt động

Đã xảy ra lỗi xác thực. Vui lòng nhập các trường và gửi lại.
Chúc mừng bạn ! Đã đăng ký thành công