Giá phân bón lập mốc kỷ lục: Doanh nghiệp té nước theo mưa?

TP - Từ đầu năm đến nay, giá phân bón liên tục tăng mạnh, lập mốc kỷ lục cao nhất trong 50 năm trở lại đây. Không ít nông dân phải bỏ ruộng, giảm sản xuất vì không chịu được áp lực. Theo các doanh nghiệp (DN), giá phân bón tăng cao do nguyên liệu nhập khẩu tăng giá. Tuy nhiên, nhiều loại phân bón dù tự chủ được nguồn cung ở trong nước nhưng vẫn “ăn theo” tăng giá gấp 2-3 lần.

2022-05-05 08:54:05 - Việt Nam

Giá phân bón lập mốc kỷ lục: Doanh nghiệp té nước theo mưa?

TP - Từ đầu năm đến nay, giá phân bón liên tục tăng mạnh, lập mốc kỷ lục cao nhất trong 50 năm trở lại đây. Không ít nông dân phải bỏ ruộng, giảm sản xuất vì không chịu được áp lực. Theo các doanh nghiệp (DN), giá phân bón tăng cao do nguyên liệu nhập khẩu tăng giá. Tuy nhiên, nhiều loại phân bón dù tự chủ được nguồn cung ở trong nước nhưng vẫn “ăn theo” tăng giá gấp 2-3 lần.

Giá tăng phi mã

Theo Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, giá phân bón liên tục tăng cao khiến hoạt động sản xuất của người dân gặp không ít khó khăn. Theo đó, giá các loại phân bón trong nước đều đồng loạt tăng mạnh bất kể là loại phân bón gì. Cụ thể, phân DAP (diamon photphat) tăng hơn 46%, phân MAP (monoamoni photphat) tăng hơn 44%, Urê tăng hơn 95%, Kali tăng hơn 102% so với năm ngoái.

Giá phân bón lập mốc kỷ lục: Doanh nghiệp té nước theo mưa? ảnh 1

Các DN phân bón thu lợi nhuận khủng khi giá bán đang lập mốc lịch sử

Theo các DN, giá phân bón tăng cao thời gian qua chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân và chi phí vận chuyển tăng cao. Đặc biệt, do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine và Trung Quốc hạn chế xuất khẩu phân bón nên nguồn cung trên thị trường thế giới khan hiếm, đẩy giá phân bón tiếp tục leo thang.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm 2021, Việt Nam sử dụng khoảng 10,7 triệu tấn phân bón sản xuất. Theo tính toán, nhu cầu sử dụng phân bón cho nông nghiệp năm nay không có biến động lớn so với năm ngoái.

Hiện các nhà máy sản xuất trong nước đã tự chủ và đáp ứng hoàn toàn các loại phân bón chủ lực như phân lân, phân Urê, phân NPK và khoảng 60% nhu cầu phân DAP (diamon photphat). Trong đó, đối với phân Urê, năng lực sản xuất của các nhà máy còn dư thừa để xuất khẩu khoảng 660-860 nghìn tấn mỗi năm. Việt Nam chỉ còn nhập khẩu phân Kali và phân SA (amoni sunphat) với khối lượng từ 2,7-3,5 triệu tấn.

Điều đáng nói, dù tự chủ được nguồn cung, giá bán một số loại phân bón trong nước liên tục tăng cao thời gian qua. Điển hình, như giá Urê Cà Mau, Urê Phú Mỹ hiện được các đại lý rao bán khoảng 18.000 đồng/kg, Urê Hà Bắc khoảng 16.000 đồng/kg (gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái). Phân DAP Đình Vũ được bán với giá 18.800 đồng/kg, DAP Lào Cai 18.500 đồng/kg, phân NPK Phú Mỹ 16.000 đồng/kg (gấp 2,5 - 3 lần so với cùng kỳ). Giá các loại phân bón chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và dự báo sẽ tiếp tục tăng từ 20-40% trong quý 2 năm nay.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, phân bón chiếm tới gần 50% chi phí giá thành sản xuất. Giá các loại phân bón tăng cao đang ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất của người dân. Đối với lúa Đông Xuân đang ở giai đoạn bón thúc giúp cho cây sinh trưởng, nếu không bổ sung đủ nguồn dinh dưỡng, năng suất cây trồng chắc chắn giảm, đồng thời giá phân bón chưa có dấu hiệu hạ nhiệt gây áp lực vụ Hè Thu sắp tới. Hiện, đã có hộ dân trồng ngô, chè phải tạm dừng canh tác vì không chịu được đà tăng giá của phân bón, tránh càng sản xuất càng lỗ.

Thấy gì từ lợi nhuận “khủng” của DN phân bón?

Trong bối cảnh giá phân bón thế giới lập đỉnh lịch sử, thời gian qua, các DN Việt liên tục xuất khẩu số lượng lớn sang các thị trường như Campuchia, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc...Theo Bộ NN&PTNT, chỉ trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu các mặt hàng phân bón đã tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 439 triệu USD.

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau trong quý 1 năm nay, doanh thu bán Urê đạt 3.700 tỷ đồng. Trong đó, Urê bán ở trong nước đạt 1.574 tỷ đồng, còn giá trị xuất khẩu đạt tới 2.100 tỷ đồng, giúp lợi nhuận sau thuế của DN này lần đầu trong lịch sử chạm mốc 1.518 tỷ đồng (gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái). Một số DN sản xuất phân bón lớn khác như Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí đạt lợi nhuận sau thuế lên tới 2.114 tỷ đồng (gấp 12,5 lần so với cùng kỳ), Công ty Cổ phần DAP-Vinachem có lợi nhuận gấp 3,5 lần…

Trao đổi với PV Tiền Phong, một thành viên Hiệp hội phân bón Việt Nam cho rằng, nếu nói giá phân bón tăng cao do các chi phí đầu vào như cước vận chuyển, nguyên liệu nhập khẩu tăng… rất vô lý. Thị trường phân Urê rất đặc thù, việc sản xuất dựa trên nguồn nguyên liệu là khí và than trong nước, DN sản xuất hiện nay đều là DN Nhà nước.

“Các DN này được rất nhiều ưu đãi như miễn thuế thu nhập DN 10% trong 15 năm, và cũng là các đơn vị xuất khẩu phân bón nhiều nhất thời gian qua gây ảnh hưởng đến cung cầu trong nước. Các bộ, ngành cần phải làm rõ việc giá phân bón nhập khẩu và các nguyên liệu đầu vào của DN tăng ra sao, mà giá bán tăng gấp 2-3 lần như thế. Trong bối cảnh nông dân đang oằn mình trả hàng loạt chi phí, nếu không hãm được đà tăng giá, sẽ khiến nông dân bỏ ruộng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp”, vị này cho hay.

Thống nhất đánh thuế 5% đối với phân bón xuất khẩu

Bộ Tài chính cho biết, thời gian gần đây, cơ quan này nhận được đề nghị rà soát, xem xét chính sách thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón trong bối cảnh giá cả mặt hàng phân bón tăng cao. Để góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, trong đó thống nhất một mức thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong sản phẩm phân bón.

 

Dương Hưng
Nguồn tienphong.vn

0

Doanh nghiệp

0

Sản phẩm

0

Năm Hoạt động

Đã xảy ra lỗi xác thực. Vui lòng nhập các trường và gửi lại.
Chúc mừng bạn ! Đã đăng ký thành công