2022-03-02 11:07:03 - Việt Nam
Số ca mắc COVID-19 tăng cao, nhiều công sở, không chỉ F0 mà cả F1 đồng loạt nghỉ việc ở nhà cách ly dẫn đến thiếu hụt lao động, có thể dẫn đến đứt gãy sản xuất. Nhiều ý kiến cho rằng sau khi phủ vaccine diện rộng, Việt Nam nên xem xét coi COVID-19 là bệnh đặc hữu thông thường, chuẩn bị thích ứng với thời kỳ hậu đại dịch.
Nhà máy khốn đốn khi công nhân liên tục F0, F1
Chị N.T.H, đại diện một công ty sản xuất hàng điện tử của Nhật Bản (KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội), chia sẻ, hiện nhiều công ty có nhu cầu tuyển dụng người mới theo hợp đồng 6 tháng để bổ sung tạm thời số công nhân thiếu hụt do là F0, F1. Công ty còn có chính sách nếu khuyến khích công nhân viên giới thiệu người mới vào làm việc.
"Người lao động của công ty tôi đang rất thiếu. Nhân viên hỗ trợ sản xuất cũng thành F0 cả loạt. Đội ngũ văn phòng hỗ trợ gián tiếp cũng phải làm việc tại nhà từ tuần này. Có khu văn phòng có đến 1/3, 2/3 số người là F0, F1", chị H. cho hay.
Theo chị H, do 100% công nhân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, trên 30% người được tiêm mũi 3 nên khi thành F0 cũng nhẹ nhàng hơn, không ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên, những F0 đó lại hay rơi vào tình trạng "cách ly chồng cách ly" do người cùng nhà hoặc cùng ở trọ mắc COVID-19.
Bởi lẽ nếu công nhân mắc COVID-19 thì cũng chỉ mất từ 7-10 để âm tính trở lại. Tuy nhiên, khi hết F0 thì họ sẽ chuyển sang từ 5-7 ngày F1 để đi làm trở lại. Nếu lúc gần khỏi bệnh mà người cùng nhà, cùng chỗ ở lại dương tính thì lại tiếp tục trở thành F1. Điều này khiến nhiều trường hợp mất cả tháng cách ly tại nhà.
Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, chị H cho biết không sớm thì muộn cũng phải cho toàn bộ F1 đi làm, chỉ F0 ở nhà. Còn nếu không tuyển dụng được thêm lao động tạm thời, F1 vẫn ở nhà thì nhà máy buộc phải đóng cửa vì không đủ người đứng dây chuyền.
Chị H cũng mong rằng với tình hình dịch bệnh hiện nay chúng ta nên coi COVID-19 như bệnh truyền nhiễm thông thường. Còn nếu không cứ cách ly F0 quá lâu, cộng thêm F1 cũng ở nhà theo dõi sức khoẻ 5 ngày thì không còn người làm.
Tương tự, ông Triệu Khắc Trung - Giám đốc Công ty T.D có hàng trăm công nhân làm việc tại nhà máy ở cụm làng nghề Triều Khúc (Hà Nội) phải tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh để công nhân, người lao động nghỉ ngơi, điều trị, chăm sóc sức khỏe, tái tạo sức lao động.
Theo ông Trung, từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp có hàng trăm công nhân khai báo là F1. Ngay lập tức công ty đã tổ chức xét nghiệm PCR cho toàn bộ cán bộ, công nhân và phát hiện tới hơn 100 trong tổng số 400 công nhân dương tính với COVID-19. Con số này chiếm tới hơn 2/3 số người trong công ty, những người này cần phải được cách ly theo quy định. Công ty đang tuyển công nhân để dự kiến đầu tháng 3 tiếp tục hoạt động trở lại.
Doanh nghiệp cũng kiến nghị, các nhà khoa học, chuyên gia y tế, ban chỉ đạo phòng chống dịch… cần nghiên cứu người lao động là F1 có nhất thiết phải cách ly 5 ngày hay không. Nếu cứ phát hiện F1 là cách ly thì chắc chắn xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động.
Có thể thấy, khi số ca nhiễm COVID-19 là công nhân ngày càng tăng khiến nhiều nhà máy phải lên phương án ứng phó với nguy cơ thiếu hụt lao động. Một số công ty có nhiều công nhân mắc COVID-19 đang bố trí bằng cách công nhân làm thay cho nhau, tăng ca... để không phải dừng dây chuyền, đóng cửa nhà máy. Có những doanh nghiệp phải tuyển lao động gấp hoặc sử dụng biện pháp thuê lại lao động từ các công ty cho thuê trong thời gian ngắn để đảm bảo hoạt động sản xuất.
Không riêng Hà Nội, như thông tin báo chí đăng tải, tại các địa bàn lân cận như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động tạm thời do số lượng lao động là F0, F1 có xu hướng gia tăng.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến thăm, động viên sản xuất và kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại một công ty trên địa bàn.
Xem COVID-19 là bệnh đặc hữu thông thường để không thiếu hụt lao động?
Từ thực tế tình trạng như hiện nay, BS Trần Văn Phúc ở Bệnh viện Đa khoa Xanh – Pôn đề xuất thay đổi quan điểm về dịch bệnh để không bị khủng hoảng. Bác sĩ Phúc cho rằng, nếu chúng ta cứ mắc kẹt trong cái bẫy mang tên “đại dịch COVID-19”, khi mà biến thể Omicron đang bắt đầu tấn công ồ ạt, thì sẽ đối mặt với khủng hoảng khan hiếm nghiêm trọng về kit xét nghiệm, khủng hoảng nguồn nhân lực lao động, khủng hoảng về hệ thống y tế với nguy cơ đổ vỡ.
Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, Việt Nam cũng đã đến thời điểm coi COVID-19 là bệnh lý đường hô hấp, tương tự như các bệnh lý đường hô hấp khác do các virus khác gây nên. Có nghĩa là trả COVID-19 về cho tuyến y tế điều trị.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, hiện nay, với tốc độ lây lan nhanh của chủng Omicron càng khẳng định rằng chúng ta không có hy vọng zero COVID được nữa.
Đến thời điểm này cần coi COVID-19 là bệnh lý chuyên khoa và cần xử lý như các bệnh lý chuyên khoa khác. Việc này tương tự như khi bạn bị bệnh nào thì sẽ tìm đến chuyên khoa đó để khám và điều trị. Xác định được tâm thế ấy, chúng ta hoàn toàn có thể bình tĩnh sống với COVID và chủ động mở cửa cho các hoạt động kinh tế - xã hội như trước thời điểm dịch bùng phát. Các biện pháp phòng chống dịch cũng cần áp dụng thống nhất, sao cho đạt hiệu quả tốt nhất.
Khi xem COVID-19 là bệnh thông thường, PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 Đại học Y Hà Nội cho rằng, quy định 5K vẫn nên duy trì. Bởi theo ông, có thể tiêm vaccine rồi, khả năng lây nhiễm cho những người tiêm vaccine sẽ giảm đi, thậm chí có ý kiến cho F0 không cần cách ly nên tham gia công việc bình thường.
PHẠM ĐÔNG
Nguồn laodong.vn