2022-04-21 09:47:04 - Việt Nam
Công nhân Công ty CP Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hoà 2, TP.Biên Hoà) sản xuất sau đại dịch. Ảnh: Hà Anh Chiến
Tại Đồng Nai, Tập đoàn Phong Thái có số công nhân lao động đông nhất tỉnh với số lượng 67.000 công nhân. Tập đoàn này có 5 Công ty thành viên đang hoạt động tại huyện Trảng Bom và huyện Xuân Lộc của tỉnh Đồng Nai. Ngoài ra, tập đoàn này còn 2 công ty thành viên khác hoạt động tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông Lê Quốc Thanh - Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Phong Thái (huyện Trảng Bom) cho biết, trước tình hình khó khăn của người lao động, trong những tháng đầu năm 2022 khi giá cả xăng dầu tăng, vật giá leo thang, doanh nghiệp đã chủ động tăng lương 3% kể từ ngày 1.4, để hỗ trợ, bù đắp cho người lao động để họ có cuộc sống ổn định hơn, chứ không chờ nhà nước có quyết định tăng lương thì mới điều chỉnh.
Ông Đặng Tuấn Tú - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Changshin Việt Nam - là doanh nghiệp có trên 30.000 công nhân lao động đang sản xuất tại huyện Vĩnh Cửu, huyện Long Thành và huyện Tân Phú cũng cho rằng, việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động từ 1.7 là rất phù hợp khi đời sống người lao động đang rất khó khăn.
“Đã 2 năm qua chưa tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động, trong khi đó người lao động đã phải gồng mình chống chọi lại các vấn đề dịch bệnh, giá cả xăng dầu tăng nên việc tăng lương tối thiểu cho người lao động cần phải thực hiện sớm, vì tăng thời điểm này là tăng cho năm 2022” - ông Tú nói.
Ông Tú còn đặt vấn đề, đến năm 2023 liệu người lao động có được tăng lương tiếp tục hay không vì người lao động vẫn còn rất khó khăn, mức tăng dự kiến từ 1.7 tới đây cũng chưa nhiều, mới bù đắp được một phần khó khăn cho người lao động. “Lúc này là lúc cần quan tâm tới người lao động nhất, tăng thời điểm này là quá hợp lý, hiện nay doanh nghiệp của chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn kế hoạch để tăng lương cho người lao động, kèm theo đó là các hoạt động chăm lo cho NLĐ trong tháng công nhân” - ông Tú chia sẻ thêm.
Theo các cán bộ công đoàn chia sẻ, tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động thời điểm hiện nay vừa để bù trượt giá và cơ bản đảm bảo mức sống cho người lao động. Từ đó, thu nhập của người lao động ngày càng được cải thiện, chất lượng cuộc sống được nâng cao, bảo đảm với nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, bù đắp cho các khoản sinh hoạt phí khác tăng cao trong thời gian qua. Quan trọng hơn việc tăng lương tối thiểu vùng sớm cũng được xem là giải pháp thu hút người lao động trở lại các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất để tiếp tục làm việc sau thời gian phải trở về quê tránh dịch.
Việc tăng lương tối thiểu vùng thời điểm hiện nay là phù hợp, đáp ứng mong muốn của người lao động, do sau đại dịch COVID-19 cuộc sống người lao động gặp rất nhiều khó khăn khi các chi phí thiết yếu như xăng dầu, vật giá... đều tăng. Ngoài ra, nhiều người lao động do dịch bệnh đã bị mất việc làm, tạm hoãn hợp đồng, ngưng việc không có thu nhập suốt một thời gian dài.
Theo đại diện một doanh nghiệp FDI tại KCN Loteco Long Bình có hơn 2.000 lao động thì vấn đề tăng lương tối thiểu vùng dù không nhiều đối với người lao động nhưng đối với doanh nghiệp là khoản chi phí lớn. Do đó, doanh nghiệp hy vọng người lao động sẽ hiểu những nỗ lực của doanh nghiệp để chia sẻ, đồng hành, thi đua sáng tạo, nâng cao năng suất, hiệu quả công việc tốt hơn.
Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, ông Cao Văn Quang - Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai cũng ủng hộ việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động, cần được khuyến khích. Tuy nhiên, ông Quang cho rằng, việc nâng lương là vấn đề khoa học. Nâng lương cho người lao động cũng kèm theo việc tăng năng suất lao động, chất lượng và giá thành sản phẩm, cải tiến lề lối làm việc.
HÀ ANH CHIẾN
Nguổn laodong.vn