2022-11-24 10:31:11 - Việt Nam
Trong bối cảnh kinh tế thế giới ẩn chứa nhiều rủi ro và khó đoán định, cộng đồng doanh nghiệp đang bị rất nhiều thách thức bủa vây. Hơn lúc nào hết, họ đang rất cần được hỗ trợ để có thể khơi thông nguồn vốn chống đỡ những khó khăn trong trước mắt.
Doanh nghiệp dễ bị tổn thương
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) chỉ ra thực tế khu vực doanh nghiệp trong nước mặc dù đông về số lượng, song yếu về quy mô và tiềm lực, do đó thời sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.
“Số liệu thống kê cho thấy, mỗi tháng cả nước đón nhận 18.100 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động và cùng với đó nền kinh tế lại nói chia tay với 12.500 doanh nghiệp rút lui. Nói cách khác, trong nền kinh tế cứ 10 doanh nghiệp gia nhập mới và quay trở lại thì có 7 doanh nghiệp tạm thời hoặc vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường. Điều này phản ánh khu vực doanh nghiệp vẫn bị tổn thương nghiêm trọng trước những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước,” ông Phòng nói.
Điều tra mới nhất của Tổng cục Thống kê về tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh từ 6.500 doanh nghiệp chỉ ra các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trước hết là việc giảm đơn đặt hàng mới (bao gồm cả đơn đặt hàng xuất khẩu) trong quý 3 và điều này dẫn đến tồn kho thành phẩm tăng. Kéo theo đó là khối lượng sản xuất giảm đồng thời hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị ảnh hưởng. Cụ thể, báo cáo điều tra ghi nhận có 26% doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng mới giảm sút, 28% đánh giá đơn đặt hàng xuất khẩu mới đi xuống, 21% doanh nghiệp dự báo tồn kho thành phẩm tăng và 25,6% doanh nghiệp dự kiến khối lượng sản xuất giảm, theo đó tỷ lệ sử dụng công suất sử dụng máy móc thiết bị xuống còn 71,7%.
Mặc khác, nhiều doanh nghiệp đang rất “đau đầu’ tìm kiếm nguồn cung đầu vào do thị trường trong nước và quốc tế thường trực trong tình trạng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu.
Báo cáo đơn hàng mới:
Nguồn: TCTK - (đơn vị: %)Trước thực tế đó, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã có báo cáo chỉ ra một số vấn đề rào cản, thách thức lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phục hồi của doanh nghiệp.
Theo báo cáo, cơ hội thị trường và đơn hàng cho năm 2023 với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực đều sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt với các ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng... Hiện, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất trong các tháng cuối năm 2022.
Thêm vào đó, chi phí đầu vào cho sản xuất xuất khẩu tại Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng tiếp tục gia tăng, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp tại các thị trường quốc tế. Do, sức ép này đến từ các yếu tố - giá dầu thế giới có thể sẽ bị đẩy lên mức cao và tình trạng thiếu hụt xăng dầu tại các trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Mặt khác, tỷ giá USD/VND tăng mạnh, trong bối cảnh trên 90% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, làm tăng chi phí đầu vào đồng thời kéo theo sức ép lên mặt bằng giá sản xuất trong nước. Hơn nữa, lãi suất tăng cao làm chi phí vốn sản xuất của nhiều doanh nghiệp Việt Nam “leo thang” cộng thêm và rủi ro đứt gãy, gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu.
Báo cáo đặc biệt nhấn mạnh tình trạng khó khăn về dòng tiền (bao gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn) đang “bủa vây” doanh nghiệp.
Khơi thông nguồn vốn
Về những giải pháp trước mắt, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng cần phải khơi thông nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, ông Hùng đề xuất Chính phủ cần phải có sự điều hành đồng bộ cả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, trong đó tiếp tục chỉ đạo quyết liệt tăng cường đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, cũng như thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, giảm bớt áp lực đối với tiền tệ, tín dụng từ hệ thống ngân hàng đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư… giúp cải thiện cung - cầu ngoại tệ cũng như giảm áp lực đối với tỷ giá.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới (như P2P Lending, Fintech, trung tâm kinh doanh thương mại, tiền kỹ thuật số, giao dịch xuyên biên giới, cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu…) đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu cấp quốc gia, cũng như thúc đẩy phối hợp giữa các bộ, ngành để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nền kinh tế.
Giả pháp trước mắt là cần khơi thông nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp. (Ảnh: Vietnam+)Ngoài ra, ông Hùng kiến nghị cần xây dựng thị trường mua bán nợ và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua bán nợ của các doanh nghiệp và ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ. Các cấp quản lý nên tăng cường phối hợp chính sách, cải thiện môi trường đầu tư (thuế, hải quan, thủ tục hành chính…), tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, các thành phần kinh tế được bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực đầu vào và trong tiếp cận thị trường đầu ra.
Hỗ trợ quy mô lớn nhất
Thực tế ngay từ đầu năm, Chính phủ đã đánh giá, theo dõi sát tình hình và đề xuất giải pháp phù hợp với diễn biến thực tiễn.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, Bộ Tài chính đã phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đề xuất, tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất.
Các giải pháp này thực hiện trong năm 2022 dự kiến sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí là khoảng 233.000 tỷ đồng, trong đó số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 98.000 tỷ đồng và số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 135.000 tỷ đồng.
“Đây là năm Chính phủ triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp với quy mô rộng khắp,” Thứ trưởng Cao Anh Tuấn đánh giá.
Về điều này, ông Hoàng Quang Phòng cho biết thêm VCCI đã nhất trí đề xuất cần phải có Nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ tại văn bản góp ý “Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025”.
Trên cơ sở, VCCI đặt mục tiêu doanh nghiệp tư nhân đăng ký chính thức theo Luật Doanh nghiệp đến năm 2025 có đóng góp 15% GDP, năm 2030 có đóng góp 20% của GDP, hiện tại con số đóng góp mới khoảng 9% GDP; Có ít nhất 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp và 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực dịch vụ,” Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Về phía Bộ Tài chính, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết đơn vị này sẽ tập trung triển khai quyết liệt và hiệu quả các giải pháp về thuế, phí, lệ phí đã và sắp được ban hành ngay trong thời gian tới đồng thời tổng kết, đánh giá việc thực hiện để có các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn.
Bộ Tài chính tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành tài chính.
Đặc biệt là cải cách trong các lĩnh vực thuế, hải quan, đây là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân, nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí, qua đó cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đồng hành với doanh nghiệp, ông Phòng nhấn mạnh VCCI vẫn tiếp tục đề cao sứ mệnh của mình góp phần “hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất hơn thủ tục hành chính.” Trên cơ sở đó, VCCI tiếp tục tổ chức các hoạt động tham vấn góp ý chính sách pháp luật, tập hợp và phản ánh ý kiến của doanh nghiệp, phản ánh và báo cáo kịp thời cho Chính phủ và các cơ quan Nhà nước có liên quan./.