2021-12-06 07:18:12 - Ý
Ngày 6/12, Italy bắt đầu thực thi hệ thống "siêu thẻ xanh" như một phần trong kế hoạch của chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch và khuyến khích việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Trọng tâm của các quy tắc mới là "siêu thẻ xanh" sẽ chỉ được cấp cho những người đã tiêm chủng vaccine hoặc những người đã bình phục sau khi mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng.
Những người có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ vẫn chỉ được cấp thẻ xanh, có nghĩa là những người chưa tiêm vaccine sẽ không thể vào các nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim, rạp hát, buổi hòa nhạc, hộp đêm hoặc sân vận động thể thao trong nhà.
Các biện pháp mà Thủ tướng Italy Mario Draghi đã tuyên bố là cần thiết để "duy trì sự bình thường" và "tạo sự chắc chắn" cho kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới, sẽ được duy trì cho đến ngày 15/1/2022 và có khả năng được gia hạn.
Cũng từ ngày 6/12, Chính phủ Italy giảm thời gian hiệu lực của thẻ xanh từ 12 tháng xuống còn 9 tháng. Ngoài ra, người dân cũng bắt buộc phải trình thẻ xanh để có thể vào khách sạn, phòng thay đồ trong các cơ sở thể thao, phương tiện giao thông đường sắt khu vực và phương tiện giao thông công cộng địa phương bao gồm tàu điện ngầm, xe buýt và xe điện.
Thẻ xanh cũng được yêu cầu khi người dân vào các viện bảo tàng. Khía cạnh duy nhất sẽ không thay đổi liên quan đến thẻ xanh là những người lao động chưa tiêm vaccine vẫn có thể đến nơi làm việc của họ bằng cách đi xét nghiệm 2 ngày một lần.
Việc siết chặt quy định mới này diễn ra khi việc đeo khẩu trang trở thành bắt buộc ở ngoài trời tại các khu mua sắm đông đúc ở nhiều thành phố của Italy, nơi cảnh sát sẽ tiến hành kiểm tra thẻ xanh ngẫu nhiên đối với những người tham gia các phương tiện giao thông công cộng và ở trong các nhà hàng trong mùa Giáng sinh.
Mục đích của các quy định mới là để ngăn chặn sự bùng phát trở lại của đại dịch và đảm bảo rằng mùa mua sắm Giáng sinh quan trọng có thể diễn ra bình thường.
Nền kinh tế Italy đang tăng trưởng nhanh hơn hầu hết các nước châu Âu và Thủ tướng Draghi muốn duy trì đà phát triển đó khi ông thúc đẩy cải cách nhằm đảo ngược nhiều thập kỷ trì trệ.
Mặc dù cho đến nay Italy chưa bắt buộc toàn dân phải tiêm vaccine nhưng nước này đang thực thi các quy định tiêm vaccine nghiêm khắc nhất và sớm hơn nhiều nước châu Âu khác.
Italy đang phải đối mặt với một làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới, mặc dù ở mức độ thấp hơn so với các nước châu Âu khác, với 15.021 ca mắc mới trong ngày 5/12. Đến nay Italy đã ghi nhận 9 ca nhiễm biến thể Omicron, hầu hết có liên quan đến "bệnh nhân số 0" trở về từ miền Nam châu Phi./.
Dương Hoa (TTXVN/Vietnam+)
Theo TTXVN/Vietnam+