Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhân viên y tế có nguy cơ nhiễm trung bình (tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm, nghi nhiễm) phải đeo khẩu trang y tế và áo choàng y tế dài tay bao phủ từ cổ đến đầu gối, không nhất thiết mặc đồ bảo hộ liền thân.
Theo nhiều chuyên gia, trong thời điểm hiện nay, nhân viên y tế không nhất thiết phải mặc đồ bảo hộ hoặc chỉ cần mặc tùy tình huống. Tuy vậy cũng có chuyên gia cho rằng đã là quy định thì nhân viên y tế phải tuân thủ.
Nơi kín mít, nơi 2 không
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online đầu tháng 3 tại một trạm y tế ở quận Gò Vấp (TP.HCM), hai nữ nhân viên y tế mặc trang phục bình thường, chỉ mang găng tay y tế, không miếng chắn giọt bắn… lấy mẫu xét nghiệm cho người F0 không ngơi tay.
Cùng ngày, tại một trạm y tế lưu động ở quận Bình Thạnh, cũng có rất đông người dân từ người lớn đến trẻ nhỏ đến test nhanh và xin giấy hoàn thành cách ly tại nhà. Người thực hiện lấy mẫu là hai thanh niên, có đeo miếng chắn giọt bắn, thường xuyên thay găng tay nhưng không mặc đồ bảo hộ.
Cũng có nơi nhân viên y tế mặc trang phục phòng hộ kín. Ở khu vực test nhanh cho phụ huynh và trẻ em khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), thời gian ca làm việc kéo dài nhưng nhân viên y tế luôn bảo hộ đúng chuẩn, sát khuẩn, thay găng tay mới mỗi lần lấy mẫu.
Một cán bộ y tế xã Viên Nội (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết hiện nay khi lấy mẫu xét nghiệm nhanh COVID-19 cho người dân, cán bộ y tế đều phải mặc trang phục bảo hộ, đeo khẩu trang.
"Đôi khi cũng khá bất tiện vì thỉnh thoảng mới có người lên lấy mẫu, mỗi lần như vậy chúng tôi lại mất thời gian mặc đồ bảo hộ. Ngày nào nhiều người thì chúng tôi mặc nguyên cả buổi, chỉ đến giờ nghỉ trưa mới cởi ra. Thời tiết hiện nay còn thoải mái, nhưng đến mùa hè chắc chắn sẽ rất khó chịu", vị này cho hay.
Nhân viên y tế tại một trạm y tế ở quận Gò Vấp (TP.HCM) chỉ đeo khẩu trang, đeo găng tay, không mặc đồ bảo hộ lấy mẫu xét nghiệm cho người F0 - Ảnh: XUÂN MAI
Còn nhiều ý kiến trái chiều
ThS Đỗ Cao Vân Anh - phó trưởng bộ môn nhiễm Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) - chia sẻ vào thời điểm dịch COVID-19 vừa bùng phát, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới chưa biết dịch lây lan như thế nào và gây bệnh ra sao nên phải bảo hộ rất kỹ lưỡng, không để bất kỳ vị trí nào trên cơ thể có khoảng trống khi tiếp xúc với người bệnh nhiễm COVID-19.
Trong khi đó, PGS Phùng Nguyễn Thế Nguyên - phó trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - cho rằng trong thời điểm hiện nay, khi toàn bộ nhân viên y tế đã tiêm đủ vắc xin phòng COVID-19 thì nguy cơ mắc bệnh nặng rất thấp.
Khi nhân viên y tế lấy mẫu cần mang khẩu trang N95, kèm miếng chắn giọt bắn, đeo găng tay thì đã an toàn mà không cần phải mặc đồ bảo hộ như trước đây.
Còn theo ThS Bùi Vũ Bình - trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, hiện nay cần thay đổi phương tiện phòng hộ cá nhân, từ việc sử dụng các bộ bảo hộ toàn thân kín thì cần chú ý đến khu vực mặt, sử dụng khẩu trang loại tốt nhất, kính chắn giọt bắn.
"Virus được tìm thấy trong dịch tiết đường hô hấp và trong phân, gần như không có trong nước mắt, sữa mẹ, nước tiểu, máu. Các nhà khoa học thống nhất virus lây chủ yếu qua đường giọt bắn, hãn hữu có lây qua đường tiếp xúc với niêm mạc vùng mặt và có lây truyền qua không khí khi thực hiện các thủ thuật tạo khí dung", ông Bình lý giải.
Cán bộ y tế phường Chương Dương (Hà Nội) chuẩn bị trang phục bảo hộ để tiêm chủng tại nhà cho người dân - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Giảm căng thẳng, tiết kiệm chi phí, thuận tiện chuyên môn
Theo ThS Bùi Vũ Bình, tùy theo nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế mà người ta cần lựa chọn các loại phòng hộ khác nhau. Việc thay đổi phương tiện phòng hộ cá nhân không chỉ giúp tiết kiệm chi phí trang thiết bị mà còn giúp nhân viên y tế giảm căng thẳng khi làm việc.
Còn bà Hoàng Thị Vân Anh, khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Hà Nội, cho rằng việc thay đổi này còn giúp nhân viên y tế thuận lợi trong các hoạt động chuyên môn.
"Trước kia nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ kín sẽ không thể sử dụng ống nghe để theo dõi bệnh nhân do tai đã bị bịt kín. Với trang phục bảo hộ hiện nay, các bác sĩ hoàn toàn có thể dùng ống nghe để chẩn đoán, theo dõi sức khỏe bệnh nhân, từ đó thuận lợi hơn trong việc chăm sóc cho người bệnh mà vẫn đảm bảo phòng, chống dịch", bà Vân Anh chia sẻ.
Trước thực tế một số nhân viên y tế ở trạm y tế vẫn sử dụng các bộ bảo hộ kín toàn thân, tuy nhiên lại sử dụng các loại khẩu trang y tế thông thường, theo bà Vân Anh, điều này là chưa phù hợp.
"Chúng ta đã có những bằng chứng rõ ràng về đường truyền nhiễm của virus hiện nay, chúng có thể xâm nhập qua đường hô hấp, niêm mạc mắt. Bởi vậy, thay vì sử dụng các bộ đồ bảo hộ kín, cần trang bị cho nhân viên y tế loại khẩu trang tốt nhất hiện nay là N95 để đảm bảo an toàn khi lấy mẫu xét nghiệm", bà Vân Anh nói.