2021-10-14 16:39:10 - Việt Nam
Các nước đang phát triển phải thúc đẩy việc tự sản xuất vaccine Covid-19, khi chương trình chia sẻ vaccine COVAX chưa thể đáp ứng kịp thời nhu cầu của phần lớn quốc gia.
Trong khi các nước giàu đang triển khai tiêm nhắc lại cho người dân của họ, COVAX cho biết họ sẽ bỏ lỡ mục tiêu phân phối 2 tỷ liều vaccine trên toàn cầu vào cuối năm nay, theo Guardian.
COVAX do các cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc, chính phủ và nhóm nhà tài trợ thành lập để đảm bảo sự tiếp cận công bằng đối với vaccine ngừa Covid-19 cho các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Theo dự báo nguồn cung mới nhất tính đến đầu tháng 9, chương trình dự kiến chỉ có thể cung cấp 1,4 tỷ liều vaccine trong năm 2021, ít hơn khoảng một phần ba so với số lượng cam kết ban đầu.
Sự thiếu hụt này phần lớn là do hạn chế về xuất khẩu và sản xuất, cũng như nhu cầu ngày càng tăng từ các nước sản xuất vaccine hàng đầu. Ấn Độ - nhà sản xuất chủ chốt - chỉ giao 28 triệu trong số 40 triệu liều đã cam kết hồi tháng 3. Nguyên nhân do tình hình Covid-19 ở nước này căng thẳng vì biến chủng Delta trong mùa hè.
Các nước đang phát triển phải thích ứng bằng cách tự sản xuất vaccine. Ấn Độ, Ai Cập và Cuba nằm trong số các quốc gia đầu tiên phát triển và sản xuất vaccine của riêng họ, thậm chí "xuất khẩu" và gửi tặng một số nước khác.
Ai Cập đã thử nghiệm trên người đối với vaccine Covi Vax của họ, sau các thành công trong phòng thí nghiệm.
“Cơ quan quản lý dược phẩm Ai Cập đã chấp thuận cho sản xuất lô vaccine đầu tiên dưới tên Covi Vax để thử nghiệm lâm sàng”, Mohamed Ahmed Ali, giáo sư virus học tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia và là trưởng nhóm nghiên cứu sản xuất vaccine, cho biết.
Một nhà máy đang sản xuất CoronaVac ở São Paulo, Brazil. Ảnh: AFP. |
Đầu năm nay, Arab Saudi bắt đầu thử nghiệm ở người giai đoạn đầu đối với vaccine do các nhà nghiên cứu tại Đại học Imam Abdulrahman bin Faisal phát triển.
Cuba đang xin sự chấp thuận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho vaccine của họ, khi nước này đang cố tiêm chủng đầy đủ cho toàn dân số, bao gồm cả trẻ nhỏ, vào cuối năm 2021.
Một số viện nghiên cứu của Brazil cũng đang đặt cược vào việc phát triển vaccine ngừa Covid-19.
Viện Butantan ở São Paulo đang tiến hành thử nghiệm ButanVac ở người giai đoạn đầu. Loại vaccine vector virus do Trường Y Icahn ở New York và một tập đoàn quốc tế phát triển có thể được sản xuất hoàn toàn ở Brazil trong tương lai.
Cristiano Gonçalves, một lãnh đạo ở Butantan, cho biết: “Butantan có ý định sử dụng ButanVac trong thị trường nội địa, và dành một phần để xuất khẩu”.
Chính phủ Ấn Độ cũng có kế hoạch tung ra ZyCoV-D, vaccine ADN đầu tiên trên thế giới, do hãng dược tư nhân Zydus Cadila hợp tác với bộ phận công nghệ sinh học của Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ sản xuất. Điều này sẽ cho phép mở rộng chương trình tiêm chủng hiện tại để có thể tiêm chủng cho người dưới 18 tuổi.
Tại Singapore, ba loại vaccine mRNA do công ty Arcturus Therapeutics của Mỹ phát triển đang được thử nghiệm ở giai đoạn hai trên người.
Vaccine ngừa Covid-19 Soberana của Cuba. Ảnh: AFP. |
Ngoài việc tự sản xuất vaccine riêng, một số nước đang phát triển đang tham gia sản xuất các loại vaccine hiện có, đã được phát triển ở châu Âu, Mỹ hoặc Trung Quốc.
Tại Brazil, khoảng 2/3 dân số được tiêm ít nhất một liều vaccine. Đây là kết quả của các thỏa thuận chuyển giao công nghệ giữa các phòng thí nghiệm Brazil và các công ty dược phẩm quốc tế.
Vào tháng 7/2020, Viện Butantan hỗ trợ các thử nghiệm quy mô lớn trên người đối với CoronaVac, loại vaccine do công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển. Đổi lại, Sinovac cam kết chuyển giao công nghệ cho viện nghiên cứu của Brazil.
Butantan đang nhập khẩu nguyên liệu thô từ Trung Quốc và đóng gói vaccine ở Brazil. Trong giai đoạn tiếp theo của thỏa thuận chuyển giao công nghệ, một nhà máy đang được chuẩn bị để bắt đầu sản xuất.
Quỹ Oswaldo Cruz, một trung tâm nghiên cứu ở Rio de Janeiro có liên kết với Bộ Y tế, đã bắt đầu đàm phán với AstraZeneca vào nửa đầu năm ngoái.
Vaccine Covishield của nhà sản xuất Anh - Thụy Điển cũng đã trải qua quá trình thử nghiệm quy mô lớn trên người ở Brazil, và đang được sản xuất trong nước với nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Trong tương lai, vaccine này sẽ được sản xuất hoàn toàn tại Brazil.
Các thỏa thuận tương tự giúp thu hẹp khoảng cách tiêm chủng ở nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình khác, chẳng hạn như Ai Cập. Nước này đã bắt đầu sản xuất vaccine của Sinovac.
Tháng trước, Bộ trưởng Y tế Ai Cập Hala Zayed công bố một kế hoạch đầy tham vọng nhằm sản xuất hơn 1 tỷ liều mỗi năm, biến nước này trở thành “nhà sản xuất vaccine lớn nhất ở châu Phi và Trung Đông”, bà nói.
Morocco cũng khởi động dự án sản xuất vaccine Sinopharm của Trung Quốc ngay trong nước. Hãng tin Moroccan Press Agency hồi tháng 7 đưa tin chính phủ có kế hoạch sản xuất 5 triệu liều mỗi tháng.
ZyCoV-D của Ấn Độ là vaccine ADN ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới. Ảnh: Zydus Cadila. |
Theo Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin, Indonesia đang đàm phán với WHO và sáu công ty dược phẩm để trở thành trung tâm sản xuất vaccine toàn cầu.
Tuy nhiên, Amjad al-Khouli, nhà dịch tễ học tại văn phòng khu vực phía đông Địa Trung Hải của WHO, chỉ ra rằng các giao dịch chuyển giao công nghệ phụ thuộc vào năng lực hiện có, và có thể gặp khó khăn vì những lo ngại về sở hữu trí tuệ.
“Điều này vẫn đòi hỏi các thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, giải quyết vấn đề sở hữu trí tuệ và cơ cấu sản xuất thuốc mạnh mẽ”, Khouli nói.
Các nước giàu cũng đang nỗ lực giúp xây dựng năng lực sản xuất vaccine tại các nước đang phát triển.
Senegal đang chờ những liều vaccine Covid-19 sản xuất trong nước đầu tiên vào quý I năm 2022, sau khi Tổng thống Macky Sall ký thỏa thuận thành lập một cơ sở sản xuất vaccine quy mô lớn với Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Đầu tư châu Âu và Mỹ hồi tháng 7.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết thỏa thuận này là một phần trong “sáng kiến nhằm hỗ trợ sản xuất thuốc và vaccine trên khắp châu Phi”.
Theo zingnews