2022-07-04 08:52:07 - Việt Nam
Dự án Nghị quyết về việc điều chỉnh giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn vừa được Chính phủ thông qua để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.Theo trình tự, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến và thông qua dự án theo quy trình một phiên họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Theo Zing
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký thông qua dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn.
Chính phủ đã thông qua việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án nghị quyết giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu trong nước. |
Cụ thể, Chính phủ đã có quyết nghị thông qua việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo đề nghị của Bộ Tài chính.
Chính phủ cũng giao Bộ trưởng Tư pháp, thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong ngày 4/7 cho phép bổ sung dự án Nghị quyết vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022. Trong đó, Bộ Tài chính khẩn trương gửi hồ sơ, tài liệu liên quan cho Bộ Tư pháp theo quy định.
Theo tiến trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến và thông qua dự án theo quy trình một phiên họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Trong quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết kể trên, Bộ Tài chính đã đề xuất điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết năm 2022.
Cụ thể, mức thuế suất thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng được đề xuất giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; thuế với nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống sàn 1.000 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống sàn 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; và dầu hỏa giữ nguyên ở 300 đồng/lít vì đây đã là mức sàn trong khung thuế bảo vệ môi trường.
Sau giai đoạn này, từ năm 2023, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trường hợp nghị quyết được ban hành trong tháng 7, Bộ Tài chính đề nghị hiệu lực thi hành của nghị quyết áp dụng từ ngày 1/8 để đảm bảo việc triển khai thực hiện kịp thời.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, hiện các hoạt động kinh tế - xã hội đã chuyển về trạng thái như trước khi xảy ra dịch Covid-19. Do đó, sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn dự kiến năm 2022 tương đương như thời điểm trước khi xảy ra đại dịch là năm 2019.
Với dự kiến sản lượng tiêu thụ này, nếu áp dụng chính sách giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất, ước tính ngân sách Nhà nước sẽ giảm thu bình quân 1.400 tỷ đồng/tháng đã bao gồm cả phần giảm thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp nghị quyết được ban hành trong tháng 7 và có hiệu lực từ tháng 8, số thu ngân sách giảm vì chính sách này vào khoảng 7.000 tỷ đồng.
Cơ quan soạn thảo cũng đánh giá thuế bảo vệ môi trường là thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường, nên chi phí thuế bảo vệ môi trường sẽ được chuyển vào giá thành sản phẩm, hàng hóa. Vì vậy, người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thuế bảo vệ môi trường.
Với việc điều chỉnh giảm mức thuế suất này đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, chi phí thuế trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu có thể giảm xuống, từ đó có tác động ngay tới việc giảm giá bán lẻ xăng dầu.
Việc tăng, giảm giá xăng dầu nói chung sẽ tác động đến sản xuất và tiêu dùng trong nước. Đồng thời, sự thay đổi về giá của mặt hàng này sẽ kéo theo sự biến động nhất định về giá của các mặt hàng khác, thể hiện qua sự thay đổi của chỉ số CPI.
Do đó, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giúp làm giảm giá bán lẻ các mặt hàng này, từ đó góp phần hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, góp phần giảm giá thành sản phẩm và giảm lạm phát.
Theo: Nhà đầu tư