2022-04-20 09:20:04 - THẾ GIỚI
Tổng thống nước Cộng hòa Sierra Leone Julius Maada Bio tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm gạo của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 3.2022. Ảnh: TTXVN
Trang Africa Report ngày 18.4 có bài viết phân tích lý do vì sao Châu Phi cần những đối tác phi truyền thống như Việt Nam. Bài viết cho hay, phần lớn Châu Phi đã và đang nhận được hợp tác phát triển Bắc-Nam, nơi các nhà tài trợ phương Tây và các tổ chức đa phương cung cấp viện trợ và hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia trên lục địa đen. Hình thức hợp tác này đem lại nhiều kết quả, nhưng vẫn cần thúc đẩy hơn nữa để thay đổi lục địa này.
Trung Quốc đã đến Châu Phi bằng sáng kiến Vành đai và Con đường. Trong khi quan hệ Bắc-Nam và ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ tiếp tục là một phần quan trọng của hợp tác phát triển đối với Châu Phi, các nhà lãnh đạo trên lục địa này đang ngày càng tìm kiếm nhiều hơn các quan hệ đối tác theo chiều ngang dựa trên sự bình đẳng, tin cậy và thịnh vượng chung. Những gì Việt Nam đã đạt được trong 30 năm qua và tất nhiên sẽ đạt được trong tương lai, khiến Việt Nam trở thành một ứng cử viên sáng giá cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ở Châu Phi hợp tác vì sự thịnh vượng chung.
Tấm gương về sự phát triển của Việt Nam
Theo bài báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Việt Nam trong ba thập kỷ qua chỉ đứng sau Trung Quốc. Năm 1985, Việt Nam có mức sản lượng kinh tế gần tương đương với Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) và Sierra Leone, với GDP bình quân đầu người lần lượt là 231 USD, 241 USD và 225 USD. Trong khoảng thời gian hơn 30 năm, Việt Nam đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hằng năm là 7%, để đến năm 2020, GDP bình quân đầu người đạt 2.786 USD, cao hơn ít nhất 5 lần so với hai quốc gia Châu Phi cận Sahara. Nhờ tăng trưởng, về cơ bản, Việt Nam đã xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và đã cải thiện đời sống của hàng triệu người dân.
Sự xâm chiếm thuộc địa và những cuộc xung đột dai dẳng thường được cho là những nguyên nhân khiến kinh tế ở lục địa Châu Phi phát triển chậm chạp. Câu chuyện của Việt Nam lại khác. Đất nước này đã có thể đạt được những tiến bộ vượt bậc mặc dù có lịch sử thuộc địa lâu dài và nhiều thập kỷ chiến tranh. Giới lãnh đạo chính trị mạnh mẽ, một nhà nước sẵn sàng làm việc với khu vực tư nhân, thử nghiệm chính sách và đầu tư vào nguồn nhân lực là những yếu tố quan trọng cho sự thành công mà Việt Nam có được ngày nay.
Việt Nam có gì cho Châu Phi?
Trong vài năm qua, tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam đã lọt vào mắt xanh của các nhà lãnh đạo Châu Phi vì họ nhìn thấy những điểm tương đồng và có cơ hội để học hỏi những gì Việt Nam đã làm rất tốt.
Bên cạnh đó, với mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam đang tìm kiếm các thị trường và cơ sở sản xuất mới. Mặc dù là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, với giá trị xuất khẩu chiếm 201% GDP, thương mại của Việt Nam với Châu Phi còn hạn chế. Nếu khai thác tốt, các quốc gia Châu Phi có thể gặt hái được nhiều lợi ích từ cách tiếp cận của Việt Nam đối với châu lục.
Châu Phi nắm bắt cơ hội thế nào?
Theo bài báo, để tận dụng lợi thế này, các chính phủ Châu Phi đang tìm kiếm quan hệ đối tác với Việt Nam nên tham gia với sự lãnh đạo mạnh mẽ và cam kết chính trị ở cấp cao nhất nhằm hướng tới hợp tác lâu dài. Sự hợp tác phải dựa trên các lợi ích chung đã được xác định, với các trách nhiệm được xác định rõ ràng trong thỏa thuận hợp tác. Quan hệ đối tác chính thức nên vượt ra ngoài quan hệ giữa chính phủ với chính phủ và bao gồm quan hệ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, vì những quan hệ này có thể là động lực thúc đẩy thay đổi.
Tổng thống Julius Maada Bio của Sierra Leone là nhà lãnh đạo Châu Phi mới nhất tìm kiếm hợp tác với Việt Nam. Chứng kiến Việt Nam chuyển mình từ một nước nhập khẩu gạo ròng thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới và với tham vọng tự cung cấp lương thực cho Sierra Leone, Tổng thống Julius Maada Bio đã lấy nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản làm cơ sở để hợp tác. Sierra Leone và Việt Nam đã ký kết các thỏa thuận hợp tác về chính trị và kinh tế, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Mô hình hợp tác phát triển toàn cầu đang thay đổi và Châu Phi cần các đối tác phi truyền thống để học hỏi và phát triển cùng. Việt Nam là một trong những đối tác như vậy, bài báo kết luận.
KHÁNH MINH
Nguồn laodong.vn