2022-03-17 14:40:03 - Việt Nam
Ý kiến cho rằng việc cấm F0 ra khỏi nhà là không còn phù hợp. Ảnh: PV
Mới đây, Bộ Y tế đã "đính chính" quy định cách ly khi F0 chỉ được ra khỏi phòng, không cho ra khỏi nhà. Theo nhiều người dân, sự cẩn trọng là cần thiết nhưng quá cẩn trọng sẽ không còn phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.
Trong khi đó, nhiều địa phương tiên phong như Cà Mau, Long An đã cho phép F0, F1 được đến nơi làm việc với những yêu cầu nhất định, đảm bảo phòng chống dịch.
Quy định F0 chỉ ra khỏi phòng cách ly không có giá trị
Chị P.T.M.N (26 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) có nhiều triệu chứng như tức ngực, khó thở, sốt. Test nhanh thấy mình là F0, chị liên hệ với trạm y tế nơi cư trú thì được hướng dẫn cách ly tại nhà. Đồng thời, nhân viên y tế cũng chỉ nói nếu có triệu chứng gì thì sẽ sử dụng thuốc đó, không nên tuỳ tiện uống kháng sinh hay thuốc kháng virus.
Sinh sống một mình, biết mình là F0 nhưng vẫn buộc phải đeo khẩu trang ra khỏi nhà để đi mua thuốc, thực phẩm và vật dụng cần thiết cho bản thân trong những ngày này.
Trước câu hỏi vì sao không nhờ người thân, bạn bè giúp đỡ, chị N than thở rằng rất khó khăn. Chị cho biết, khi số người mắc COVID-19 tăng vọt làm xuất hiện ngày càng nhiều F0, thậm chí "gia đình F0" nên bạn bè đều mắc cả.
“F0 tự đi xét nghiệm, tự đi mua thuốc, tự chăm sóc, tự giấu bệnh, mà văn bản cấm đi ra ngoài. Ai quản lý F0 để cấm? Bộ Y tế thay vì cấm mà là tuyên truyền cho dân thực hiện 5K và ý thức phòng dịch nơi công cộng là được” - chị N bày tỏ.
Một số loại loại thuốc chị N phải tự đi mua để sử dụng. Ảnh: NVCC
Theo chị N, với người nhà cùng sinh hoạt với nhau nên F0 đi ra đi vào từ phòng ngủ đến phòng khách không có cơ quan nào có thể kiểm soát được, quan trọng là ý thức của mỗi người.
Bên cạnh đó, thời gian qua, việc phải lên phường chen chúc để khai báo, lấy giấy xác nhận F0 và giấy khỏi bệnh F0 cũng chẳng khác gì việc đi mua bán thực phẩm. Nói một cách khác, F0 ra khỏi nơi cách ly dù vô tình hay cố ý đã có từ lâu. Do vậy, việc cấm hay không cũng không còn giá trị.
Tương tự, ông L.V.N (43 tuổi, Mai Dịch, Cầu Giấy) cho biết, trong bối cảnh như hiện nay thì có thể thấy F0 nhan nhản ngoài đường. Trong tình cảnh cả nhà 4 thành viên đang ở chế độ F0 thì muốn hay không muốn vẫn phải có một người ra chợ mua thực phẩm, vật dụng sinh hoạt cần thiết.
Nới quy định quản lý F0 cho phù hợp với thực tế
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam, nhận định, việc triển khai cách ly tuyệt đối với F0, F1 như các giai đoạn trước không còn khả thi trong tình cảnh hiện nay. Đặc biệt chủng mới lây nhiễm nhanh, việc sàng lọc, xét nghiệm và yêu cầu cách ly rất khó thực hiện.
Một thực tế hiện nay là rất nhiều F0 không khai báo, hoặc cả gia đình cùng bị F0 nhưng chỉ 1-2 người khai báo. Lý do trước hết là việc khai báo theo nhiều người là "không có tác dụng gì". F0 báo y tế phường, phường cũng chỉ gọi điện bảo ở nhà mua thuốc sốt, ho, đau họng uống, 7 ngày sau lên y tế phường xét nghiệm lại xác nhận hết bệnh. Như vậy là F0 vẫn phải tự ra ngoài mua thuốc, tự điều trị...
Trong khi đó, chính Bộ Y tế cũng đã đưa ra đề xuất F0, F1 đi làm trong thời gian cách ly cụ thể như sau: F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm việc trực tuyến, chăm sóc người bệnh COVID-19. F1 được phép tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến. Trên thực tế, một số địa phương cũng đã mạnh dạn áp dụng vấn đề này.
Trước thực trạng nhiều F0 vẫn ra ngoài để mua đồ, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh, người bệnh chỉ nên ra ngoài trong trường hợp cấp thiết. Khi đi phải đeo khẩu trang, liên tục sát khuẩn tay, hạn chế đến chỗ đông người, đặc biệt là những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế nói rằng, việc cho F0 tuân thủ 5K và ra ngoài phù hợp tình hình dịch bệnh, dần tiến tới sự thích ứng và bình thường hóa.
"Họ ra ngoài để phục vụ nhu cầu cấp thiết như mua thuốc, lương thực, hạn chế tiếp xúc sẽ ít có khả năng làm lây lan dịch bệnh, nhất là khi cả nước có độ phủ vaccine cao", ông Nga nói.
Cũng theo chuyên gia, hiện có nhiều F0 trong cộng đồng nhưng đa số không biết mình đã nhiễm hoặc cố tình giấu bệnh. Do vậy, vấn đề cốt lõi là ý thức bảo vệ bản thân và cộng đồng, thay vì ỷ lại vào các quy định không còn phù hợp với bối cảnh mới.
Bà Lã Thị Lan - Phó Giám đốc CDC Hà Nội - cho biết, theo luật phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm thì những trường hợp truyền nhiễm nhóm A phải cách ly, không được ra ngoài. Tuy nhiên, thực tế hiện nay "vì hoàn cảnh bắt buộc" nên một số F0 vẫn đi ra ngoài.
"Hiện nay số lượng F0 quá lớn, ngành y tế không thể chăm sóc tất cả tại nhà được. Khi cần xét nghiệm thì F0 có thể đeo khẩu trang đi thẳng tới nơi khám bệnh và không tiếp xúc với ai trên đường đi. Theo luật truyền nhiễm là không được như thế, nhưng thực tế hiện nay có một số F0 vẫn đi ra ngoài khám bệnh bởi trong những tình thế bắt buộc", bà Lan nói.
PHẠM ĐÔNG
Nguồn laodong.vn