2022-09-21 09:59:09 - Mỹ
Loa MacBook Air sẽ bị phá hỏng trong vòng 40 giây nếu người dùng phát một bản nhạc có âm lượng quá lớn.
Bộ loa bị quá nhiệt và không thể hoạt động bình thường sau khi phát bài hát. |
Hector Martin, một nhà nghiên cứu bảo mật sản phẩm Apple, đã làm hư chiếc MacBook Air M2 chạy hệ điều hành Asahi Linux ông tự tùy biến sau khi thử nghiệm thách thức giới hạn của bộ loa trên thiết bị.
Trong bài đăng trên Twitter cá nhân, Martin đã giải thích cụ thể thí nghiệm của mình. Ông đã phát bài hát “I Won The Loudness War” của Dan Worrall trong 40 giây và bật một đoạn “sine sweep”, làm thay đổi tần số âm thanh liên tục, để xem liệu loa của laptop Apple có thể chịu được hay không.
Đây là bài hát được đánh giá là ồn ào và có âm lượng cao nhất thế giới. “Tôi từng phá hỏng một chiếc loa khác với bài hát này”, Martin nói với Motherboard.
Kết quả là bộ loa trên chiếc MacBook đã ngừng hoạt động và hỏng hoàn toàn sau 40 giây thí nghiệm. “Dải loa tần số cao (tweeter) bên phải đã bị hư, còn bên trái chỉ bị ảnh hưởng một phần”, ông nói. Martin cho biết ông còn có thể ngửi thấy mùi khét của thiết bị từ xa.
Chuyên gia thực hiện thí nghiệm loa trên hệ điều hành tùy biến riêng, không phải macOS. Ảnh: Hector Martin. |
Theo chuyên gia, rất có thể bộ loa đã bị quá nhiệt. Nguyên nhân của hiện tượng trên có thể là hệ điều hành có toàn quyền kiểm soát các tác vụ và cài đặt của máy tính mà không cần thông qua một trình điều khiển (driver). Do đó, nó đã buộc bộ loa phát ra những âm thanh lớn hơn khả năng của mình.
Trong đó, dải loa tần số cao (tweeter) chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi sự quá tải âm thanh này. “Loa của MacBook bị hỏng rất nhanh, chỉ mất 40 giây sau khi bật nhạc”, ông chia sẻ. Martin còn cho rằng bài hát này vẫn có thể phá hủy các dòng laptop của các nhà sản xuất khác chứ không chỉ riêng MacBook.
Theo Motherboard, tweeter vốn được sử dụng trong các bộ loa để phát những âm thanh có tần số cao. Bài hát “I Won The Loudness War” đã phá hủy đúng dải tần này ở bên tweeter phải, trong khi đoạn “sine sweep” có âm thanh thay đổi tần số liên tục lại làm hỏng tweeter trái.
“Tweeter bị hư vì âm lượng bị giảm đột ngột, khiến nó bị nóng lên, chảy nhiệt và đột ngột ngừng hoạt động”, Martin nói. Ông cho biết dải loa tần số cao bên phải đã hỏng hoàn toàn. Trong khi đó, phía còn lại chỉ bị ảnh hưởng một phần và vẫn có thể hoạt động được.
Theo Motherboard, Martin đã thực hiện thí nghiệm trên chiếc MacBook Air, được cài đặt Asahi Linux, phiên bản hệ điều hành ông tự tùy biến để chạy trên máy tính Mac sử dụng chip của Apple, thay vì macOS có sẵn.
Dải loa tần số cao của MacBook đã bị hỏng vì quá nhiệt. Ảnh: dinomarkio. |
Vì thế, chuyên gia cho rằng bài hát “I Won The Loudness War” cũng có thể làm hỏng chiếc MacBook Air M1 và the Pro M1 chạy macOS và thậm chí là chiếc MacBook mới với con chip M2.
Nói với Motherboard, ông thực hiện thí nghiệm vì muốn xem thử liệu macOS có thể bảo vệ bộ loa, giúp nó không bị hư khi chịu âm thanh có âm lượng lớn như vậy hay không. Ông cho biết thông thường, hệ điều hành sẽ quản lý toàn bộ cài đặt và bộ quy định về mức độ an toàn của bộ loa.
Trong đó, macOS còn sử dụng một bộ quy định phức tạp hơn khi hệ điều hành này luôn đo nhiệt độ của loa để tránh tình trạng bị quá nhiệt. “Tôi muốn xem cách thức hệ thống này khi hoạt động với Linux nhưng cuối cùng lại làm dải loa âm tần cao bị quá tải và phá hỏng nguyên bộ loa”, ông nói.
Chuyên gia cho rằng Apple nên thiết kế loa MacBook sao cho có thể chịu được các âm thanh có âm lượng lớn dù người dùng sử dụng hệ điều hành khác macOS. Đồng thời, ông cũng nói thêm dải loa trầm (woofer) cho âm thanh tần số thấp lại không bị hỏng nhưng vẫn bị ảnh hưởng một phần.
Hector Martin cho biết đã phản ánh tình trạng loa hỏng với Apple và nhận được một chiếc laptop mới nhờ chế độ bảo hành của Apple Care.
Nguồn: Zingnews