2022-05-13 08:54:05 - Việt Nam
Giá xăng liên tục tăng cao khiến tài xế công nghệ lao đao
Cuộc khủng hoảng dầu mỏ trên toàn thế giới khiến giá xăng trong nước tăng mạnh. Kéo theo đó, tiền sinh hoạt phí tăng cao khiến nhiều người dân chật vật xoay xở, đặc biệt là những người làm nghề xe ôm, giao hàng.
Anh Lê Thành Long (một người làm nghề giao hàng tại Hà Nội) chia sẻ: "Trung bình với mỗi đơn ship đồ ăn mình sẽ được 10 - 15 nghìn đồng mỗi đơn, còn đối với nhận chở khách sẽ được khoảng 20 nghìn đồng, đấy là chưa tính thuế, phí. Trừ đi rồi tiền tôi thu về cũng chẳng còn bao nhiêu".
Nhiều tài xế ngủ gật trong đêm chờ khách.
Một tài xế tận dụng thời gian rảnh rỗi để hỏi thăm con cái.
Giá xăng tăng cao khiến nhiều người làm nghề xe ôm phải tính đến việc bỏ nghề.
Nhiều tài xế công nghệ cho biết, dù các loại chi phí sinh hoạt liên tục tăng cao nhưng mức lương gần như "giậm chân tại chỗ". Cùng với đó, các phương tiện giao thông công cộng như tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, tuyến xe bus điện Vinbus đã bắt đầu triển khai khiến khách ngày càng ít.
Anh Nguyễn Tiến Dũng (trú tại Cầu Giấy) chia sẻ: "Tôi chạy giao hàng cả tháng cũng không đủ tiền ăn, giờ còn lo học phí cho con, tiền điện nước.
Các đợt điều chỉnh tôi thấy xăng giảm thì ít mà tăng thì nhiều, không chạy cũng chả biết làm gì, mà chạy lại chả đủ tiền xăng một ngày. Ngồi một chỗ đường nắng nóng không có đơn, chạy loanh quanh tìm khách thì càng tốn xăng. Giờ tôi không biết làm gì nữa".
Nhiều tài xế công nghệ chia sẻ, vì không được đóng tiền bảo hiểm xã hội, không có thưởng trong các ngày lễ, trợ cấp của công ty cũng rất ít nên cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn.
Nhiều người dự tính bỏ nghề
Sau thời gian dài khó khăn vì dịch COVID-19, các tài xế công nghệ tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng xăng dầu. Nỗi lo cơm áo gạo tiền ngày càng lớn, đồng lương không đủ trang trải cuộc sống, nhiều tài xế đã chuyển hướng qua làm bảo vệ, trông xe, phục vụ tại các quán ăn, nhà hàng, hoặc tính về quê làm công nhân.
Anh Nguyễn Hữu Phương Nam cho biết: "Từ đợt dịch COVID-19 vừa rồi, tôi nghỉ làm gần 3 tháng, vay mượn khắp nơi cũng chỉ đủ sống qua ngày.
Hết dịch những tưởng khách đi lại nhiều cuộc sống sẽ tốt hơn, giờ giá xăng tăng vậy, một ngày chạy cùng lắm được 200 nghìn, trừ 50 nghìn tiền xăng, 5 nghìn tiền mạng, rồi các chi phí khác. Với thu nhập một tháng còn khoảng 3-4 triệu, ở Hà Nội chẳng biết sống sao, vì tiền nhà đã hết 2 triệu rồi”.
Nhiều shipper làm thâu đêm nhưng thu nhập vẫn không đủ để chi trả cho sinh hoạt ở Hà Nội.
Đó cũng là tình trạng chung của nhiều tài xế, có những người có bằng cấp nhưng vẫn phải chạy ship do không xin được việc, có người đã hết tuổi lao động nhưng vẫn phải ra ngoài kiếm tiền nuôi sống gia đình.
Anh Nguyễn Hoàng Chiến (Cầu Giấy - Hà Nội) nói: "Từ thời sinh viên tôi đã lái xe ôm kiếm thêm thu nhập. Giờ chính sách của ứng dụng chạy xe ngày càng khó khăn, giá xăng lại tăng không có điểm dừng, thời gian tới nếu khó khăn quá tôi về quê vào khu công nghiệp xin làm công nhân. Cũng muốn bám trụ ở Hà Nội tìm cơ hội cho bản thân nhưng khó khăn quá".
Trong đợt điều chỉnh gần nhất, Liên bộ Công thương - Tài chính đã phát thông tin về việc điều chỉnh giá xăng dầu sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ dài của cả nước.
Theo đó, giá xăng E5RON92 tăng thêm 1.490 đồng/lít, từ mức 27.469 đồng/lít lên 28.959 đồng/lít.
Xăng RON95-III tăng 1.550 đồng/lít, từ 28.433 đồng/lít lên mức lên 29.983 đồng/lít.
Dầu diesel tăng 1.210 đồng/lít, từ 25.530 đồng/lít lên 26.740 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 1.340 đồng/lít, từ 23.825 đồng/lít lên 25.165 đồng/lít.
THANH TÙNG
Nguồn laodong.vn