TTO - Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có yêu cầu các địa phương triển khai thần tốc hơn nữa việc tiêm vắc xin COVID-19, trong đó lưu ý tập trung nghiên cứu tiêm mũi 4 và triển khai tiêm vắc xin cho trẻ 5 - 11 tuổi.
PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - chia sẻ theo dự báo, dịch bệnh COVID-19 sẽ là bệnh lưu hành hằng năm nên việc tiêm vắc xin mũi nhắc lại (mũi 4) là điều cần thiết nhưng cần phải có nghiên cứu rõ ràng, đảm bảo tính khoa học và thực tiễn dịch bệnh. Tuổi Trẻ giới thiệu một số ý kiến khác.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM):
Cần tập trung bảo vệ nhóm nguy cơ từ xa
Khi chủng Omicron xâm nhập, nhiều nước từng có ý định triển khai tiêm chủng vắc xin mũi 4, tuy nhiên sau khi nghiên cứu thì ngừng vì thực tế cho thấy chủng Omicron lây lan nhanh nhưng mức độ gây bệnh khá nhẹ. Với một người tiêm đủ 3 mũi vắc xin cơ bản đã tạo miễn dịch, điều này giúp họ ít có diễn biến chuyển nặng và tử vong.
Trong trường hợp nếu triển khai tiêm chủng vắc xin mũi 4, tôi cho rằng ngành y tế chỉ nên tập trung vào một số nhóm đối tượng nguy cơ cao đang mắc các loại bệnh lý nền, miễn dịch kém hoặc người tiêm chủng bằng các loại vắc xin có hiệu lực bảo vệ không cao trước đó. Việc tiêm chủng nếu có nên chăng xã hội hóa để người dân có sự lựa chọn, Nhà nước giảm gánh nặng chi phí như hiện nay.
Chiến lược tốt nhất cần tập trung hiện nay là bảo vệ các nhóm nguy cơ từ xa, tức bên cạnh tiêm chủng, họ cần phải được phát hiện quản lý sớm, được cung ứng thuốc kháng virus trong điều trị để tránh tình trạng khi phát hiện đã vào bệnh viện cấp cứu. Hiện nay, chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ của TP.HCM đang phát huy hiệu quả tích cực.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong (trưởng khoa nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM):
Chưa cần thiết
Sau Tết, tình hình số ca mắc COVID-19 nhập viện điều trị tại Bệnh viện dã chiến quận 8, số 1 do tôi điều hành từ không có ca nào đến nay là trên 30 ca. Tuy nhiên chỉ có vài ca thở oxy, còn lại tương đối nhẹ. Tất cả các ca này gần như đã tiêm đủ vắc xin, đó cũng chính là yếu tố giúp họ dù có nhiễm nhưng ít chuyển nặng.
Dựa vào số lượng và tính chất của các ca bệnh hiện nay, tôi cho rằng việc triển khai tiêm mũi 4 chưa thực sự cần thiết. Có chăng chúng ta nên tập trung hoàn thiện tiêm mũi 3 cho tất cả mọi người dân, song song đó cần tổ chức tiêm chủng cho trẻ từ 5 - 11 tuổi để các em có miễn dịch bảo vệ trong bối cảnh quay trở lại học trực tiếp.
Khi mũi 3 tiêm đủ 6 tháng, có thể tính toán đến việc tiêm mũi 4. Nhưng cũng chỉ nên tập trung vào những đối tượng đặc biệt nguy cơ, không nên mở chiến dịch tiêm chủng rộng rãi vì sẽ gây tốn kém, trong khi hiệu quả thực sự có thể sẽ không được như mong muốn.
Bác sĩ Lê Quốc Hùng (trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy):
Nên tiêm nếu năng lực cho phép
Tôi cho rằng nếu năng lực (chi phí, vắc xin, nhân lực...) cho phép thì việc tiêm vắc xin mũi 4 là điều cần thiết, còn không có thể ưu tiên tập trung vào một số nhóm đối tượng nguy cơ. Thực tế hiện nay có Israel đã thực hiện tiêm chủng mũi 4 và đang có một số quốc gia cũng lưỡng lự.
Tuy vậy, để đi đến việc triển khai kế hoạch này, chúng ta cần theo dõi thêm về hiệu quả thực sự của vắc xin đối với chủng Omicron, đặc biệt trong bối cảnh tại TP.HCM chủng này hiện đang chiếm ưu thế.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng (trưởng khoa y tế công cộng Trường ĐH Y dược TP.HCM):
Tốn kém nếu tiêm cho tất cả
Dù khoa học chứng minh vắc xin không có tính chất bền vững chống lại tất cả các loại biến chủng của virus và hiệu quả của vắc xin cũng giảm dần theo thời gian (từ 90% lúc mới tiêm giảm xuống còn 70% sau 6 tháng). Tuy vậy, vắc xin vẫn có ý nghĩa giúp hạn chế bệnh chuyển nặng, giảm tử vong.
Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng việc tiêm vắc xin mũi 4 là một trong những giải pháp cần được nghiên cứu, xem xét. Tuy nhiên nếu triển khai, không nên tiêm cho toàn bộ người dân mà cần chú tâm vào nhóm người có nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, nếu chọn phương án tiêm vắc xin mũi 4 cho tất cả người dân, Nhà nước sẽ tốn một chi phí "khổng lồ" từ việc mua vắc xin, vận chuyển, bảo quản và nhân lực, vật lực để tổ chức tiêm chủng. Chưa kể, tiêm vắc xin mũi 4 vẫn có thể xảy ra các trường hợp phản ứng phụ, sốc phản vệ... trong khi lợi ích lại không nhiều.
Không nhiều nước tiêm liều 4 vắc xin COVID-19
Israel là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm liều 4 vắc xin COVID-19 vào ngày 3-1. Nước này ưu tiên tiêm cho người từ 60 tuổi trở lên, nhân viên y tế và những người bị suy giảm hệ miễn dịch, với điều kiện tiêm mũi 3 trước đó ít nhất bốn tháng. Tính tới đầu tháng 1-2022, hơn 254.000 người Israel đã tiêm liều 4.
Giữa tháng 2, Cơ quan Y tế công cộng của Thụy Điển khuyến nghị tiêm vắc xin liều 4 cho người từ 80 tuổi trở lên. Vương quốc Anh cũng sẽ tiêm liều 4 cho người trên 75 tuổi, người trong các viện dưỡng lão và người bị ức chế miễn dịch trên 12 tuổi.
Trong tháng 2, Hàn Quốc đã tiêm liều thứ 4 cho nhóm người có nguy cơ cao. Dự kiến có khoảng 500.000 người trên 18 tuổi sống hoặc làm việc tại các trung tâm chăm sóc người cao tuổi và 1,3 triệu người khác bị suy giảm miễn dịch, theo lời giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) Jeong Eun Kyeong.
Hồi năm ngoái, Mỹ vẫn giữ quan điểm là liều vắc xin thứ 4 chưa cần thiết nhưng từ tháng 2 năm nay, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã bắt đầu xem xét cấp phép việc tiêm mũi thứ 4 vào mùa thu năm nay. Yếu tố để xem xét bao gồm liều thứ 4 có giúp nâng cao khả năng miễn dịch của người được tiêm, giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng và nghiêm trọng sau mắc COVID-19 hay không.
Các chuyên gia đánh giá liều thứ 4 có thể là khởi đầu cho việc tiêm vắc xin COVID-19 định kỳ hằng năm.
(MINH KHÔI)
Chưa có chủ trương tiêm cho tất cả mọi người
Một chuyên gia về tiêm chủng cho biết Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đang tiến hành lấy ý kiến và tìm thông tin các nước có tiêm vắc xin COVID-19 mũi 4 thế nào, và nếu tiêm thì hiệu quả ra sao.
"Ở Israel đã tiêm mũi 4 nhưng họ không tiêm cho tất cả mọi người, chỉ tiêm cho người già, người có bệnh nền, đáp ứng miễn dịch kém... Với những nhóm như thế này thì Việt Nam cũng đã có chủ trương và đã tiêm mũi 4 cho những người đã đủ 3 tháng tính từ khi tiêm mũi 3", vị này nói. Ngoài ra Việt Nam cũng có trên 1 triệu người tiêm vắc xin Abdala có lịch tiêm 3 mũi, những người tiêm vắc xin này cũng thuộc nhóm tiêm mũi 4", chuyên gia này cho biết.
Chuyên gia này cũng cho biết tới đây nhóm kỹ thuật của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ có báo cáo gửi Bộ Y tế. Ý kiến của các chuyên gia kỹ thuật là thời điểm hiện tại chưa có chủ trương tiêm mũi 4 cho tất cả mọi người.
Tuy nhìn nhận thời điểm hiện nay hiệu quả ngăn nhiễm bệnh của vắc xin với chủng mới Omicron là không cao, nhưng hiệu quả ngăn diễn biến nặng và tử vong "còn rất tốt", nhất là tới đây khi tỉ lệ bao phủ mũi 3 cao hơn.
(LAN ANH)
TP.HCM đang quản lý 647.979 người nhóm nguy cơ
Theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM nhằm bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, UBND TP.HCM đã phát động chiến dịch "bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ", trong đó đặc biệt tập trung nguồn lực bảo vệ sức khỏe cho người trên 65 tuổi và người có bệnh nền, hạn chế thấp nhất tỉ lệ mắc, chuyển nặng và tử vong do COVID-19.
Sau hơn 2 tháng triển khai, có 647.979 người thuộc nhóm nguy cơ, tất cả đã được lập danh sách và quản lý. Trong số này có gần 25.000 người chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19, thông qua xét nghiệm tầm soát phát hiện 5.638 người mắc COVID-19 (chiếm tỉ lệ 0,9%).
Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết thông qua chiến dịch đã thuyết phục được 21.000 người chưa tiêm vắc xin đồng ý tiêm tại nhà hoặc tại cơ sở y tế. Chiến dịch này đã góp phần cải thiện tình hình chuyển nặng và tử vong do COVID-19 tại TP.HCM.
Tiếp nối chiến dịch này, ngành y tế TP.HCM đang tiếp tục mở rộng đối tượng quản lý, bao gồm người có bệnh nền, trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ vắc xin phòng COVID-19. Các nhóm này sẽ được lập danh sách quản lý, xét nghiệm tầm soát định kỳ, tư vấn và chăm sóc, tiêm chủng... đảm bảo không bỏ sót. Đặc biệt, với người không thể di chuyển sẽ được nhân viên y tế lưu động đến tận nhà tiêm chủng. Dự kiến ngày 17-3 kế hoạch tiêm chủng cho nhóm nguy cơ sẽ hoàn thành.
TP.HCM chờ Bộ Y tế "phát lệnh" tiêm vắc xin cho trẻ 5 - 11 tuổi
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 2-3, ông Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết đến nay công tác thống kê lập danh sách trẻ từ 5 - 11 tuổi, triển khai các đội tiêm, điểm tiêm và vắc xin của TP.HCM đã hoàn tất chờ ý kiến từ Bộ Y tế. Theo số liệu thống kê từ Sở GD-ĐT và Sở LĐ-TB&XH, TP có khoảng 963.000 trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 11 cần tiêm.
Trước đó, từ ngày 25-2 Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp cùng Sở Y tế, Sở Thông tin và truyền thông, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM triển khai đến các quận, huyện và các cơ sở giáo dục về công tác lập danh sách trẻ em và học sinh từ 5 - 11 tuổi đăng ký tiêm vắc xin COVID-19. Theo đó, yêu cầu các nhà trường lập danh sách học sinh có ngày sinh từ 1-4-2017 trở về trước và nhập vào nền tảng quản lý tiêm vắc xin COVID-19. Đồng thời cử nhân sự tham dự lớp tập huấn về sử dụng, quản lý dữ liệu tiêm chủng và tổ chức tiêm an toàn.
Trước khi triển khai chiến dịch tiêm chủng này, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng tiến hành cho các trường lấy ý kiến từ các phụ huynh và nhìn chung đa số phụ huynh rất nóng lòng muốn con được tiêm vắc xin ngừa COVID-19.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết việc TP.HCM triển khai tiêm vắc xin cho trẻ 5 - 11 tuổi ở thời điểm này là phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế. Theo ông Dũng, trước đây Việt Nam vẫn còn nghi ngại khi cho trẻ 5 - 11 tuổi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 bởi thời điểm đó Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa có khuyến cáo sử dụng vắc xin ngừa COVID-19 cho lứa tuổi này. Nhưng hiện nay WHO đã khuyến cáo sử dụng vắc xin cho lứa tuổi nhỏ và thực tiễn ở các nước như Mỹ cùng một số nước khác đã tiêm cho trẻ từ 5 - 11 tuổi và cho thấy hữu ích, an toàn.
Nguồn tuoitre.vn